(Tổ Quốc) - Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng bên cạnh chính sách về thuế và tín dụng cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ cùng với các gói kích cầu để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa và sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Cần có chính sách tài khóa và tiền tệ tổng thể
Thảo luận tại Tổ 5 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang, các ĐBQH cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.
Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Tuy nhiên, ĐBQH cũng đề nghị tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án; có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
![ĐBQH: Cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa - Ảnh 1. ĐBQH: Cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa - Ảnh 1.](https://toquoc.mediacdn.vn/280518851207290880/2025/2/15/140220250540-dsc8782-1739585859101-17395858607741625121552.jpg)
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026; năm tăng tốc, bứt phá, về đích; năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, cao hơn chỉ tiêu Trung ương và Quốc hội giao, góp phần tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi. Năm 2025, nếu tăng trưởng không đạt từ 8% trở lên thì những năm sau khó có thể đạt được tăng trưởng hai con số. Vì vậy, theo đại biểu Trần Văn Tiến, việc xây dựng Đề án bổ sung về kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên là cần thiết.
Về động lực cho tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, theo kịch bản tăng trưởng thì các động lực cho tăng trưởng gồm: Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị bổ sung thêm động lực sản xuất, kinh doanh và chế biến vì đây là các lĩnh vực sẽ tạo ra sản phẩm cho xã hội góp phần quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Đề án đã chỉ ra 6 nhiệm vụ giải pháp. Về cơ bản, đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp như Đề án và Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần có giải pháp để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2025 và những năm tới.
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thứ 4 về "Xây dựng chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa", đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng điều này là cần thiết nhưng chỉ có chính sách về thuế và tín dụng vẫn chưa đủ mà cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ cùng với các gói kích cầu để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa và sản xuất, kinh doanh.
![ĐBQH: Cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa - Ảnh 2. ĐBQH: Cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa - Ảnh 2.](https://toquoc.mediacdn.vn/280518851207290880/2025/2/15/140220250545-dsc8805-1739585862325-1739585862465265373297.jpg)
Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đóng góp ý kiến để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh đến việc đầu tư cho lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ nhằm góp phần tạo động lực tăng trưởng cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, ngân sách chi cho hoạt động khoa học, công nghệ còn thấp nên để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này cần thêm sự quan tâm nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, các Bộ ngành, cơ quan cần biết tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như có giải pháp nâng cao trình độ, tay nghề của nguồn lực này thông qua đào tạo để phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó là cần có chính sách đủ mạnh, đột phá để tạo động lực cho khối doanh nghiệp FDI chuyển dịch các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Việt Nam.
Tận dụng tối đa nguồn tài chính trong dân
Đưa ra quan điểm về tăng trưởng kinh tế, đại biểu Đặng Xuân Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên có thể đạt được gắn với đảm bảo thu nhập bình quân của người dân, kiểm soát lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Ngoài các giải pháp mà Chính phủ đề xuất, đại biểu Đặng Xuân Phong đề xuất cần có thêm giải pháp đột phá để tận dụng nguồn lực tài chính của nhân dân vào đầu tư cho các dự án lớn như xây dựng các tuyến đường sắt cũng như thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, chi tiêu ở trong nước.
![ĐBQH: Cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa - Ảnh 3. ĐBQH: Cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa - Ảnh 3.](https://toquoc.mediacdn.vn/280518851207290880/2025/2/15/140220250531-dsc8991-1739585863960-1739585864090233741145.jpg)
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đứng ở góc độ khác khi đề cập về nội dung trên, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu trưởng đạt 8% trở lên thì việc huy động tối đa nguồn lực tài chính trong nhân dân phải chú trọng đến tăng lãi suất ngân hàng, mua trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, giải pháp trên sẽ kéo theo tăng lãi suất khi cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, Chính phủ phải linh động tìm các giải pháp hợp lý và hiệu quả để vừa huy động nguồn tiền từ trong nhân dân nhưng vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh./.