• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH cảnh báo tình trạng "chống trượt" khi thi giấy phép lái xe dẫn đến bị bệnh tâm thần vẫn đỗ

Thời sự 30/10/2019 17:43

Phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đề cập tới tình hình tai nạn giao thông của Việt Nam và cảnh báo những hoạt động phi pháp trong việc cấp phép GPLX.

Bà Thủy cho biết, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã từng bước được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, số tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến nhiều người chết vẫn khiến dư luận lo lắng. Cụ thể, tổng số vụ tai nạn giảm nhưng lại xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong một vụ.

"Xuất hiện ngày càng nhiều lái xe dương tính với ma tuý khiến cho không ít người dân phải chịu cái chết thương tâm, để lại hậu quả lâu dài với gia đình họ", bà Thủy chia sẻ.

Lý giải cho tình hình này, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết có nhiều nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Ở Việt Nam, luật pháp quy định thời gian thực hành lái xe khá dài, lên tới 80 giờ nhưng bà Thủy cho rằng thực tế, quá trình đào tạo không ít cơ sở đã cắt xén chương trình.

"Thay vì dạy bài bản để lái xe an toàn thì lại dạy mẹo, dạy tiểu xảo chỉ để thi đỗ. Hiện tượng nhiều người ở phía Nam nhưng lại đăng ký học lái xe ở các cơ sở ở phía Bắc khiến cử tri đặt câu hỏi: Điều này thu hút học viên này đăng ký trong khi đường xa, chi phí ăn ở, đi lại tốn kém hơn nhiều lần so với học ở tỉnh nhà? Phải chăng có những cơ sở học dễ, thi dễ, nghiêm trọng hơn là có tình trạng bao thi, bao đỗ, đóng tiền trọn gói để mua bằng", bà Thủy nhấn mạnh.

Vị Đại biểu Quốc hội Bắc Kạn cũng cho rằng các tiêu cực trong đào tạo cấp GPLX phải được phát hiện bằng chuyên án chứ nếu chỉ thanh tra theo kế hoạch thì rất khó để phát hiện, ngăn chặn.

Đề cập tới vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, Luật đã quy đinh rõ ràng cần tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho lái xe 1 năm/lần. Quy định là vậy, nhưng không ít doanh nghiệp khoán trắng việc khám sức khoẻ cho lái xe, để lái xe tự đi khám sau đó mang kết quả về.

"Hậu quả là vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do lái xe dương tính với ma tuý khiến dư luận bàng hoàng phẫn nộ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, chỉ kiểm tra đột xuất đã phát hiện 239 trường hợp lái xe dương tính với ma tuý", bà Thủy nói.

Bên cạnh đó, Luật quy định các đơn vị này phải bảo đảm thời gian làm việc của lái xe, không được quá 10 tiếng trong 1 ngày, không được lái xe liên tục quá 4 tiếng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, doanh nghiệp vì muốn khai thác tối đa xe nên tài xế và xe hầu như trên đường cả ngày lẫn đêm. Có doanh nghiệp chỉ quan tâm khoán giờ nhận hàng và trả hàng còn an toàn hay không là do lái xe chịu trách nhiệm. Hậu quả là vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng có liên quan đến việc lái xe chạy quá sức, ngủ gật.

Một vấn đề cũng được vị đại biểu Bắc Kạn nêu ra là việc khám sức khoẻ lái xe. Luật quy định chặt chẽ việc khám sức khoẻ phải được thực hiện ở 3 khâu, đào tạo, sát hạch và định kỳ trong suốt quá trình hành nghề lái xe. Tuy nhiên, cử tri phản ánh nhiều trường hợp không cần đến khám, chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng là có giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để lái xe. Có trường hợp đến khám thì bác sĩ chỉ hỏi và ghi, không khám, không xét nghiệm. Hậu quả là có trường hợp bị bệnh tâm thần vẫn được cấp GPLX, bà Thủy nói.

Cuối cùng, đại biểu Thuỷ cũng đề cập đến những tiêu cực trong lực lượng thanh tra giao thông. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhờn luật trong thời gian qua có liên quan đến hoạt động thanh tra, tuần tra, kiểm soát trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, thậm chí có trường hợp còn tiêu cực.

Đánh giá cao Bộ GTVT và Bộ Công an đang có những giải pháp tích cực trong công tác này tuy nhiên, đại biểu cũng khẳng định vẫn còn rất nhiều việc phải làm để loại bỏ tận gốc những "con sâu làm rầu nồi canh".

Từ đầu năm có hơn 5.600 người thiệt mạng vì TNGT. Giảm TNGT cần nhiều giải pháp nhưng trước hết phải cần sự nghiêm khắc của pháp luật với những đối tượng vi phạm. Mọi đối tượng tiêu cực, vi phạm phải được phát hiện triệt để và xử lý nghiêm, không thể vô can đứng ngoài. Có như vậy, người dân mới được bình an, không còn nước mắt rơi vì TNGT.

"Theo Báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 5.600 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Như vậy, đã có hơn 5.600 người ra khỏi nhà đi làm, đi học và đã vĩnh viễn không bao giờ trở về", bà Thủy nêu tầm quan trọng của việc giảm tình trạng tai nạn giao thông để người dân được bình an và không còn nước mắt rơi vì tai nạn.

NỔI BẬT TRANG CHỦ