• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH: Đầu tư cao tốc sẽ giúp biến các nguồn tài nguyên văn hóa vùng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

Thời sự 17/06/2024 10:47

(Tổ Quốc) - Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ tạo cơ hội, biến các nguồn tài nguyên, văn hóa hết sức đa dạng của vùng Tây Nguyên thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Sáng 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về "chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)".

Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến du lịch đường bộ

Phát biểu thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

ĐBQH: Đầu tư cao tốc sẽ giúp biến các nguồn tài nguyên văn hóa vùng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch hấp dẫn - Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đại biểu cho rằng Tây Nguyên không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến du lịch đường bộ nối các nước Thái Lan, Campuchia, Lào với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

Do đó Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ tạo cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên biến các nguồn tài nguyên, văn hóa hết sức đa dạng, nổi bật và khác biệt của vùng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành vùng du lịch mang tính động lực cho du lịch Việt Nam.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án; đồng thời có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo đại biểu, dự án này phù hợp với mạng lưới cao tốc đã được phê duyệt, phù hợp với chủ trương của Đảng và nguyện vọng của Nhân dân ở khu vực.

ĐBQH: Đầu tư cao tốc sẽ giúp biến các nguồn tài nguyên văn hóa vùng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch hấp dẫn - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội, theo đại biểu Trần Văn Tiến việc Chính phủ trình Quốc hội dự án này là phù hợp. Đối với việc giải phóng mặt bằng và tái định cư. Đại biểu Trần Văn Tiến đồng ý với đề xuất giải phóng mặt bằng và tái định cư 1 lần theo quy hoạch với quy mô 6 làn xe của Dự án.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy mô đầu tư giai đoạn 1 với tổng chiều dài tuyến là 128,8km, quy mô 4 làn xe có làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa đáp ứng lưu lượng xe đến năm 2040 và đến năm 2045 sẽ không còn phù hợp.

Về tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị xem xét lại lãi suất vay 10,7% để phù hợp với quy định lãi suất vay hiện hành.

Cuối cùng, liên quan đến tiến độ thực hiện, đại biểu Trần Văn Tiến đề xuất dự kiến hoàn thành dự án này vào cuối năm 2028 và khi đó cần tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp.

Dự án sẽ có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với trước đây

Phát biểu giải trình, báo cáo một số nội dung các đại biểu đã đề cập tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ, tại hội trường, có thể thấy tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ rất cao về sự cần thiết phải triển khai dự án đường cao tốc này để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.

ĐBQH: Đầu tư cao tốc sẽ giúp biến các nguồn tài nguyên văn hóa vùng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch hấp dẫn - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, báo cáo một số nội dung các đại biểu đã đề cập.

Về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này. Quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao.

Bộ trưởng cho biết, thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.

ĐBQH: Đầu tư cao tốc sẽ giúp biến các nguồn tài nguyên văn hóa vùng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch hấp dẫn - Ảnh 4.

Các đại biểu dự phiên thảo luận.

Về tác động của dự án đến các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác. Tác động này đã được Chính phủ lường trước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Bộ trưởng cho rằng, sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi vào hoạt động, sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.

Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng cho biết thời điểm triển khai của dự án đang có thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Thời gian triển khai xây dựng được tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2. Bộ trưởng cho rằng dự kiến tiến độ là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ