(Tổ Quốc) - Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 21/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bổ sung quỹ đất cho cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng, điểm d khoản 2 Điều 10 trong dự thảo luật quy định, nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất như sau: Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác.
Theo đại biểu, quy định như vậy còn rất chung chung, cần rà soát, cụ thể hóa nội hàm của cơ sở xã hội, tránh sự tùy nghi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tế, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở cai nghiện ma túy.
Đại biểu cho biết, Điều 35 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định, Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình. Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Đại biểu nhấn mạnh, việc có quỹ đất cho các cơ sở này là cần thiết, góp phần vào việc bảo vệ, thực hiện quyền con người, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội của các loại hình cơ sở.
Tương tự, tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 2 hai loại hình cơ sở là thêm cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.
Về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo đại biểu dự án luật đã có nhiều quy định góp phần bảo đảm bình đẳng giới, tuy nhiên theo Luật Bình đẳng giới, đối tượng áp dụng của luật là toàn bộ các chủ thể, cơ quan tổ chức, các nhân nhưng dự thảo hiện này tại Điều 12 mới chỉ quy định hành vi cấm liên quan đến phân biệt đối xử về giới đối với cơ quan quản lý nhà nước là chưa bao quát hết mà cần phải bổ sung nội dung không phân biệt đối xử về giới cho cả người sử dụng đất tại khoản 2, Điều 12 và các cá nhân tổ chức khác trong lĩnh vực đất đai.
Theo đại biểu, thực tế tại một số nơi, do ảnh hưởng của phong tục, tập quán, nhận thức pháp luật hạn chế mà việc người sử dụng đất hay các cá nhân tổ chức không phải cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng có thể có hành vi cản trở phân biệt đối xử về giới, ví dụ hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi cản trở, phân biệt đối xử về giới có thể hành vi của người sử dụng đất nhưng cũng có thể là hành vi của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Do vậy, cần điều chỉnh khoản 2, Điều 12 thành các hành vi của cá nhân, tổ chức và bổ sung 1 điểm vào khoản 2, Điều 12 hành vi phân biệt đối xử về giới để áp dụng cho các cá nhân và tổ chức.
Đề xuất mở rộng trách nhiệm của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thuộc hộ nghèo, ở biên giới, hải đảo
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần làm rõ các nội dung quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật.
Điều 9 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai. Đại biểu cho biết nội dung này ở Luật Đất đai 2013 có nội hàm rộng hơn nên đề nghị nên giữ như Luật Đất đai 2013. Cụ thể, quy định nhà nước đầu tư vào đất đai. Đại biểu phân tích, không chỉ có nhà nước mới đầu tư vào đất đai và cũng không chỉ có khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất. Vì đầu tư vào đất đai là quyền và nghĩa vụ của toàn dân. Bên cạnh đó, còn có đầu tư vào phát triển đất đai, quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, quy định tại Điều 17 về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu đè nghị cần mở rộng với đối tượng đồng bào dân tộc ở biên giới, hải đảo, tạo điều kiện cho đồng bảo bám đất, bám biển; và đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.