(Tổ Quốc) - Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị bổ sung quy định về đất xây dựng công trình sự nghiệp kết hợp sử dụng vào mục đích công cộng và dịch vụ. Điều này này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thí điểm thực hiện chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, y tế, khoa học và công nghệ.
Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thể chế chính sách cho đất thương mại dịch vụ còn mờ nhạt
Tham gia ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đánh giá cao dự án luật trình tại kỳ họp này. Theo đại biểu, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp nghiêm túc. So với dự thảo luật trình ở kỳ họp thứ 4, nội dung các điều khoản trình ở kỳ họp này đã được điều chỉnh rất nhiều.
Đại biểu cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, tác động đến đời sống Nhân dân. Do vậy, khi điều chỉnh một số chính sách chưa được đánh giá tác động kỹ, cũng cần tiếp tục nghiên cứu thêm.
Góp ý về các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, tại Điều 10 của dự thảo luật đề cập tới nhóm đất là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có đất thương mại dịch vụ. Theo đại biểu, đất thương mại dịch vụ có vai trò rất lớn, đáp ứng nhu cầu về phát triển các cơ sở thương mại dịch vụ mới của nền kinh tế. Khi thực hiện các dự án sẽ tạo ra nhiều sản phẩm bất động sản mới thu hút nhu cầu lớn cả trong nước và quốc tế, như bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng…
Đất thương mại dịch vụ góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và tăng thu ngân sách địa phương, giải quyết quyết việc làm cho người dân. Theo thống kê có khoảng 25% lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú… Đại biểu cho rằng, đây là giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo. Việc sử dụng đất thương mại dịch vụ sẽ thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên đại biểu băn khoăn về thể chế chính sách cho loại đất này còn mờ nhạt, vì vậy cần có chế định cụ thể đối với đất thương mại dịch vụ để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi khi triển khai. Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 47 về điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.
Theo đại biểu, Điều 47 về điều kiện bán công trình trên đất thuê trả tiền hàng năm là phải hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt. Với quy định này thì các chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch không thể kinh doanh bất động sản du lịch hình thành trong tương lai. Điều này đi ngược lại với các quy định về việc bán bất động sản hình thành trong tương lai quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành và sẽ gây ra những vướng mắc nhất định cho các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh bất động sản.
Đại biểu đề xuất sửa đổi Điều 47 theo hướng không nhất thiết phải hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch đối với những hạng mục có thể hình thành trong tương lai.
Về Điều 216 về đất sử đụng đa mục đích, đại biểu đề nghị bổ sung 1 điểm ở khoản 2 là đất xây dựng công trình sự nghiệp kết hợp sử dụng vào mục đích công cộng và dịch vụ. Đại biểu cho rằng việc bổ sung loại đất đa mục đích này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thí điểm, thực hiện chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, y tế, khoa học và công nghệ...
Góp ý về Điều 12 về những hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đưa hành vi của cơ quan nhà nước là không phù hợp, mà nên quy định theo hướng một số hành vi của các cá nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Xem xét kỹ quy định về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu rõ, cử tri đánh giá cao Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Hàng triệu ý kiến là hàng triệu niềm tin người dân gửi gắm tới Quốc hội, Chính phủ, kỳ vọng Luật Đất đai sau sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai thời gian qua.
Đi vào nội dung cụ thể về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu cho biết, thời gian qua, ngành tài nguyên sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, cho thấy sự tập trung cao của ngành, nổi bật nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân về ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn rất rườm rà, mất nhiều thời gian.
Thực tế, nhu cầu của người dân về chuyển đổi mục đích sử dụng đất là rất lớn, và cần được thực hiện trong thời gian ngắn, không thể chờ thời gian hơn 1 năm, nên tình trạng cất nhà trước, làm giấy tờ sau diễn ra phổ biến. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận khác về quy trình, có giải pháp rút ngắn về thời gian trong tổ chức thực hiện để người dân tiếp cận ngay cơ hội.
Theo đại biểu, khi chưa có quy hoạch ngắn hạn thì phải dựa vào quy hoạch dài hạn để giải quyết cho người dân. Khu vực đã quy hoạch là đất ở, thì khi người dân có nhu cầu, cần giải quyết ngay, không nên yêu cầu người dân đăng ký và chờ đợi thời gian dài đến khi cơ kế hoạch phân bổ mới giải quyết, trong khi thời gian là cơ hội của người dân.