(Tổ Quốc) - Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị xây dựng và thực hiện sớm chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK, các thiết chế văn hóa xã, các chính sách hỗ trợ người dân trong khu vực di tích ATK nhằm bảo tồn hiện trạng di tích nhưng vẫn đảm bảo đời sống cho người dân.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Khó thực hiện phát triển du lịch, tạo việc làm cho người lao động trong vùng ATK
Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, những năm qua, các xã ATK, CT229 thuộc tỉnh Bắc Kạn có nhiều cải thiện và có những chuyển biến tích cực… Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng từ nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, đại biểu cho biết, tỉnh Bắc Kạn đã ưu tiên đầu tư, cân đối các nguồn vốn cho các xã, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng ATK và CT229 của tỉnh.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, với xuất phát điểm thấp, nguồn lực của tỉnh rất hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân trong vùng. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14 về chính sách hỗ trợ xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tuy nhiên, đến nay các Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành các quy chế quản lý và các chế độ, chính sách cụ thể đối với các địa phương trong vùng này.
Cùng với đó, một số chính sách mới chỉ được áp dụng đối với các xã khu vực 3 hoặc các xã CT229 chưa đạt chuẩn nông thôn mới, chưa có chính sách cho các xã khu vực 2, khu vực 1. Do đó, việc triển khai các chính sách đồng bộ, thống nhất còn gặp nhiều khó khăn như việc hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, các thiết chế văn hóa, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân trong xã cách mạng...
Bên cạnh đó, do quy định các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn các xã CT229 không có yếu tố nước ngoài. Trường hợp các dự án có yếu tố nước ngoài đầu tư vốn cho địa phương không ảnh hưởng đến bí mật, an toàn vùng CT229 thì phải thống nhất với Bộ Quốc phòng trình Chính phủ xem xét, quyết định. Chính vì thế, đại biểu cho biết, việc thu hút dự án ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch, tạo việc làm cho người lao động trong vùng cũng khó thực hiện.
Trong giai đoạn 2021- 2025, nguồn lực đầu tư tại các vùng ATK và CT229 rất hạn chế và hầu như không có nguồn vốn ngoài ngân sách, chỉ có thể đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trong khi điểm tính cho các xã này theo nguyên tắc, tiêu chí không còn Chương trình mục tiêu quốc phòng, an ninh trên địa bàn trọng điểm, do đó không còn các dự án đầu tư trên địa bàn các xã CT229… Vì vậy, một số xã CT229, xã an toàn khu sẽ không được đầu tư từ chương trình này.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh, các xã vùng cao và CT229 của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả nước nói chung hầu hết đều là các xã miền núi với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình đồi núi bị chia cắt, giao thông đi lại chưa thuận lợi. Một số xã có diện tích phần lớn là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nên khó khăn trong phát triển triển kinh tế, các thiết chế văn hóa, giáo dục, cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thu ngân sách thấp…
Thực hiện sớm chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK
Để đảm bảo thực hiện chính sách trên địa bàn các xã này đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Huế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, ban hành một chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế- xã hội cho các xã vùng CT229 và vùng ATK với phạm vi của Chương trình bao gồm tất cả các xã, thị trấn thuộc vùng này với các chính sách cụ thể.
Theo đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, có mức hỗ trợ cao hơn so với các chính sách thu hút đầu tư hiện nay. Đồng thời các chính sách phải gắn với phát triển du lịch lịch sử, chính sách đầu tư các công trình hạ tầng lưỡng dụng kinh tế và quốc phòng.
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, bảo hiểm, giảm nghèo cần đồng bộ, thống nhất trong vùng để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, vừa nâng cao đời sống dân sinh và giữ vững quốc phòng an ninh. Trong đó xem xét áp dụng chính sách cho tất cả các xã khu vực 1 và các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đại biểu cũng đề nghị xây dựng và thực hiện sớm chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK, các thiết chế văn hóa xã, các chính sách hỗ trợ người dân trong khu vực di tích ATK nhằm bảo tồn hiện trạng di tích nhưng vẫn đảm bảo đời sống cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh các cơ chế chính sách về phát triển rừng như một số đại biểu trước đã phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh, chiến khu xưa vẫn còn đó, tấm lòng thủy chung, son sắt của đồng bào các dân tộc nơi đây với cách mạng, còn đó sự mòn mỏi, đợi chờ chính sách kịp thời của Nhà nước để tạo đà, tạo sức bật cho vùng căn cứ kháng chiến vươn lên, để nhân dân có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Đó chính là cách thiết thực nhất để tri ân những con người, vùng đất có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc vùng miền, hoàn thiện chính sách lao động tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, thực hiện nhanh, mạnh, có hiệu quả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nếu không nhanh chỉ khoảng 10 năm nữa thôi chúng ta muốn ưu đãi với họ cũng không còn cơ hội để ưu đãi nữa.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp phát triển văn hóa, xã hội song hành với phát triển kinh tế để đất nước phát triển toàn diện hơn, hạn chế tệ nạn xã hội, nâng cao đạo đức, mức sống cho Nhân dân, quan tâm phát triển du lịch phù hợp với vùng, miền nhằm phát triển kinh tế của đất nước.