• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã tiếp cận tư duy phát triển điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế

Thời sự 28/10/2021 19:04

(Tổ Quốc) - Chiều nay (28/10), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

ĐBQH: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã tiếp cận tư duy phát triển điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận trực tuyến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đa số các đại biểu phát biểu tại buổi thảo luận đều đề cao vai trò của điện ảnh đối phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từ đó đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2022.

Đẩy mạnh xã hội hóa

ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong đó, điện ảnh là loại hình, phương tiện trực quan sinh động, có ý nghĩa trong việc định hướng giá trị, tư tưởng, góp phần quảng bá văn hóa đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Dự thảo Luật Điện ảnh trình lần này đã tiếp cận tư duy phát triển điện ảnh không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế.

ĐBQH: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã tiếp cận tư duy phát triển điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế - Ảnh 2.

ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) phát biểu tại phiên thảo luận.

Nói về chính sách phát triển điện ảnh nhà nước, ĐB Tô Văn Tám cho rằng cần tập trung vào vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bao trùm cả phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần quan tâm chính sách xã hội hóa để các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động điện ảnh.

Khoản 3, điều 5 của dự thảo luật có nêu việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thuộc lĩnh vực Nhà nước đầu tư, hỗ trợ bằng ngân sách. ĐB Tô Văn Tám đề nghị cần có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích này, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia để chính sách này khi đi vào cuộc sống dễ thực hiện.

Cùng quan điểm với ĐB Tô Văn Tám, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cần nghiên cứu chính sách tài trợ cho các hoạt động điện ảnh, trong đó chú trọng đến đối tượng là người hưởng thụ.

Dẫn kinh nghiệm của Hàn Quốc, một quốc gia rất thành công trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh để quảng bá đất nước, con người ra thế giới, ĐB Tú Anh cho rằng, chính sách cần hướng từ tài trợ cho bên cung, sang bên cầu. Tức là quan tâm, tập trung nhiều hơn đến khán giả, những người hưởng thụ văn hóa.

Tiền kiểm không phù hợp với xu hướng hiện nay

Đề cập đến 3 hình thức phổ biến phim, nhất là hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc phổ biến phim trên không gian mạng dù đã có qui định tại Điều 22 nhưng vẫn có một khoảng trống rất khó kiểm soát bởi khối lượng phổ biến quá lớn.

ĐBQH: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã tiếp cận tư duy phát triển điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế - Ảnh 3.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang). Hình tư liệu

Vì thế rất khó cho công tác tiền kiểm nhưng nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc, hại, không thu hồi được phim có nội dung xấu.

Theo ĐB này, phương án hậu kiểm có vẻ khả thi, phù hợp hơn. Tuy nhiên cần phải rà soát lại các qui định sao cho có sự thống nhất giữa Luật Điện ảnh với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật an ninh mạng.

Cùng nói về vấn đề này, ĐB Khang Thị Mào (Yên Bái) bày tỏ đồng tình với qui định trong dự án luật, tức là tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm các qui định tại Luật, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phin theo qui định 33 của Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

"Nếu thực hiện tiền kiểm rồi mới tiến hành cấp phép phát hành phim, tôi cho rằng không phù hợp với xu thế hiện nay", đại biểu Khang Thị Mào nhấn mạnh.

Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm tái đầu tư cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam

Bày tỏ nhất trí với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, ĐB Thái Văn Thành (Nghệ An) cho rằng, quỹ này hết sức cần thiết, đây là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ đầu tư cho các tài năng trẻ, nâng cao chất lượng các tác phẩm điện ảnh, qua đó xúc tiến quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới thông qua các đợt liên hoan phim quốc tế.

ĐBQH: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã tiếp cận tư duy phát triển điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế - Ảnh 4.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Theo ĐB Thành, trong bối cảnh hiện nay, khi cơ chế đặt hàng sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước chưa bao gồm sản xuất các loại phim nghệ thuật, phim đầu tay của các tài năng mới, quỹ này sẽ hỗ trợ, khuyến khích các tài năng, sáng tạo, duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật. Qua đó, tạo ra sự hài hòa, phát triển các dòng phim của Việt Nam.

"Sản xuất phim là một lĩnh vực có sự đầu tư kinh phí lớn, tuy nhiên, việc thu hồi vốn để tái đầu tư gặp nhiều khó khăn, nguy cơ rủi ro cao, nhất là đối với các phim nghệ thuật. Vì vậy, Quỹ này còn có nhiệm vụ hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ với các nhà sản xuất phim" - ĐB Thành nêu quan điểm.

Cũng theo vị ĐB đoàn Nghệ An, thời gian qua, nhờ chính sách mở cửa, bằng các quy định thông thoáng của pháp luật, các đơn vị phát hành phim tại Việt Nam đã thu lợi nhuận lớn. Thế nhưng, ngoài đóng thuế thu nhập thì các doanh nghiệp đó vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ tái đầu tư cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Chính vì vậy, ĐB này cho rằng, cần phải thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để thúc đẩy những quy định phù hợp về việc đóng góp tài chính từ doanh thu của doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim để góp phần thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển.

ĐB Thái Văn Thành cũng đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) đó là cần xây dựng cơ chế quản lý quỹ này rõ ràng. Theo đó, nguồn thu từ quỹ cần phải được Nhà nước cấp kinh phí cho cơ quan quản lý chuyên ngành điều hành với mục đích phát triển điện ảnh nước nhà, hỗ trợ nhà làm phim trẻ nhất là phim đầu tay.

Nói về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, ĐB Đinh Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, đây là nội dung đặc biệt quan trọng đối với chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia. Theo đó, vấn đề này cần căn cứ định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật.

"Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm góp phần định hình rõ hơn các giá trị văn hóa quốc gia, dân tộc thông qua các tác phẩm điện ảnh" - ĐB Phương Lan nêu quan điểm./.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đó là: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ