• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH: Hiện đại hóa nhưng nên hạn chế đô thị hóa nông thôn để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng

Thực hiện: Xuân Trường - Thế Công | 25/10/2024

(Tổ Quốc) - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nông thôn là nơi giữ gìn văn hóa của mỗi đất nước, mỗi dân tộc, có thể hiện đại hóa nông thôn nhưng nên hạn chế đô thị hóa nông thôn để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng cũng như phát triển quy hoạch về giao thông, trường học, bệnh viện tùy vào từng vùng này.

Sáng 25/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

ĐBQH: Hiện đại hóa nhưng nên hạn chế đô thị hóa nông thôn để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng - Ảnh 1.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 06 chương và 65 điều; bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Cần bổ sung định nghĩa rõ ràng "khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị"

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội tán thành với các nội dung đã được giải trình, tiếp thu của UBTVQH và đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật lần này đã tích hợp, giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch.

ĐBQH: Hiện đại hóa nhưng nên hạn chế đô thị hóa nông thôn để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Điều 2 giải thích từ ngữ nội dung quy định khái niệm thế nào là "khu vực nội thành, nội thị". Đại biểu cho rằng, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị, đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.

"Việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, kết nối cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tăng cường diện tích cho người dân đô thị. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế của kinh tế đô thị, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nhiều tác động tích cực khác", đại biểu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, do hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị nên dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính đô thị đang tồn tại thực trạng là có một số đô thị, chủ yếu là các thị xã và thành phố thuộc tỉnh đang duy trì các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối.

Do đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị trong dự thảo Luật này cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị; đồng thời bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị tại Điều 6, Điều 7 và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này tại Điều 20, Điều 21. Điều này sẽ giúp hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạn chế lãng phí trong đầu tư nguồn lực phát triển, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị, và làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Nên hạn chế đô thị hóa nông thôn

Nêu ý kiến thảo luận đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Địn cho rằng, các vấn đề vấn về bán đô thị, nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, siêu đô thị…, chưa có thực tiễn, do đó Bộ Xây dựng cần nghiên cứu thêm để quy định, nếu hiện đưa vào luật các nội dung này thì sẽ rất khó.

ĐBQH: Hiện đại hóa nhưng nên hạn chế đô thị hóa nông thôn để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Tham khảo các thành phố trên thế giới, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết, thường được phân thành 3 vùng gồm: nội thành, ngoại ô và nông thôn; đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, đô thị gồm nội thị và ngoại ô, còn nông thôn vẫn là nông thôn.

Định nghĩa "nội đô" là khu vực mật độ dân số cao, có nhiều đặc điểm, con người và được xây dựng nhiều nhà cao tầng, các trụ sở và cơ sở hạ tầng, có hệ thống giao thông công cộng tầm thấp, có điều kiện phát triển kinh tế và văn hóa đa dạng.

Còn "ngoại ô" là khu dân cư ngầm, ngoài nội đô, có mật độ dân cư thấp hơn, chủ yếu là nhà ở riêng lẻ, có nhiều công viên, trường học, có nhiều không gian xanh hơn khu nội đô, thường sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đến trung tâm thành phố.

Nông thôn là khu vực ngoài thị trấn và thành phố, dân cư thưa thớt, chủ yếu sống bằng nông nghiệp và các tài nguyên thiên nhiên.

Từ những nội dung nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nông thôn là nơi giữ gìn văn hóa của mỗi đất nước, mỗi dân tộc, có thể hiện đại hóa nông thôn nhưng nên hạn chế đô thị hóa nông thôn để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng cũng như phát triển quy hoạch về giao thông, trường học, bệnh viện tùy vào từng vùng này. Như vậy sẽ ổn định hơn.

Đảm bảo sự đan xen, gắn kết hiệu quả giữa không gian đô thị và nông thôn

Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị Nhấn mạnh dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng của doanh nghiệp, người dân, đến nhiều quy định của các Luật khác; cũng như nhiều loại quy hoạch khác… Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất thận trọng, rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch…

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Luật đã quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch cấp quốc gia, vùng cũng được quy định cụ thể.

"Nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch về phân khu, quy hoạch chi tiết, có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa… Các nội dung này đã được giải trình, tiếp thu, giải trình rõ trong Báo cáo số 983 gửi đến các đại biểu Quốc hội", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ.

ĐBQH: Hiện đại hóa nhưng nên hạn chế đô thị hóa nông thôn để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, phạm vi lập quy hoạch đô thị và nông thôn cũng được xác định dựa trên phạm vi lãnh thổ, đảm bảo sự đan xen, gắn kết hiệu quả giữa không gian đô thị và nông thôn. Bộ trưởng cho biết, các khái niệm như "nội thành", "ngoại thành", "ngoại thị" không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này mà được quy định tại các văn bản pháp luật khác.

Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất…

NỔI BẬT TRANG CHỦ