• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội hiến kế phục hồi ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19

Thời sự 08/11/2021 10:17

(Tổ Quốc) - Ngay trong phiên họp đầu tiên đợt họp tập trung của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (sáng 8/11), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ quan tâm đến các giải pháp phục hồi ngành du lịch khi thảo luận về kết phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và dự kiến năm 2022.

ĐBQH hiến kế phục hồi ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp sáng 8/11.

Cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chuỗi sản xuất kinh tế bị đứt gãy, ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Đề xuất vài nhiệm vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, ĐB Minh Tâm đề nghị Chính phủ cần tập trung phục hồi và phát triển ngành du lịch. Trong đó, cần hỗ trợ tài chính và đào tạo lại người lao động, doanh nghiệp du lịch.

ĐBQH hiến kế phục hồi ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình).

"Cần hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, lực lượng lao động, người dân kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng, tăng cường kích hoạt và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư và khoản tín dụng, gia hạn trả nợ" - ĐB Minh Tâm đề xuất.

Vị ĐB này cũng đề nghị tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

Đồng thời, xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch đang bị "nén" trong nhiều tháng qua. Giải pháp ưu tiên đó là ban hành các các chính sách và triển khai các biện pháp an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo sự tin tưởng cho khách du lịch.

Nêu ví dụ hiện nay, các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Bình đang khởi động lại các hoạt động du lịch với các quy định, lộ trình để du khách không phải cách ly khi đến, ĐB Minh Tâm đề nghị cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh, đồng thời đánh giá mức độ an toàn. Qua đó, quy trình này cần được chuyển hóa trong phạm vi toàn quốc. Cùng với đó, cần sự có kết nối với các quốc gia để "làm ấm" lại thị trường du lịch.

Tăng năng lực cho doanh nghiệp du lịch về phát triển bền vững

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.

ĐBQH hiến kế phục hồi ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 3.

ĐB Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu). (Ảnh tư liệu: Quochoi.vn)

Thống kê 9 tháng năm 2021, Việt Nam đón 114,5 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, giảm 97% so với cùng kỳ. Tình hình du lịch trong nước, nhu cầu du lịch của người dân giảm hẳn, nguồn thu từ du lịch trong 8 tháng năm 2021 chỉ đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ.

Để thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" trong thời gian tới, ĐB này đề nghị cần có giải pháp tăng năng lực cho doanh nghiệp du lịch về phát triển bền vững, cơ cấu lại hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu.

Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương, hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

ĐB đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động, sử dụng lao động gặp các khó khăn do đại dịch. Ưu tiên triển khai nhanh chiến lược tiêm vắc xin cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong quản lý về thông tin du lịch, thông tin các điểm đến tại các địa phương, hình thành cơ sở dữ liệu liên thông từ Trung ương đến địa phương./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ