• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH Lê Thanh Vân: Có bằng thật nhưng “giả” về mặt kiến thức mới là nguy hiểm

Thời sự 29/10/2021 08:40

(Tổ Quốc) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Theo đó, quy định này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm. Được biết, quy định mới giữ nguyên 19 điều như trước, kế thừa cơ bản nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Cán bộ có bằng thật nhưng “giả” về mặt kiến thức mới là nguy hiểm - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Hình tư liệu).


ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với báo chí liên quan đến Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.

- Ông suy nghĩ như thế nào về Quy định không được đe doạ, trù dập, trả thù những người được tố cáo, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm được nhấn mạnh tại Quy định 37?

+ Đây là quy định rất cần thiết, thậm chí phải coi đây là quy định điển hình cần phải làm mạnh trong thời điểm chúng ta đang xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước hết là phải xây dựng về tổ chức, về nhân sự. Suy cho cùng, một tổ chức mạnh là do chất lượng nhân sự mạnh. Bác Hồ đã có câu nói rất nổi tiếng: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muốn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém".

Phải thừa nhận nghiêm túc, chất lượng cán bộ của chúng ta đang sa sút nên phải chỉnh đốn bằng nhiều cách, trong đó trọng tâm là phải bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Hiện nay, tình trạng suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa không chỉ diễn biến ở cá nhân mà nó còn có dấu hiệu lan ra tập thể. Chẳng hạn như vụ việc tập thể lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vừa qua, một loạt tướng lĩnh cấu kết, liên thủ với nhau, quy mô vi phạm là cả tập thể cấp ủy và cơ quan.

Vì vậy người có năng lực trình độ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm có nguy cơ trở thành thiểu số, dễ bị bè phái đông hơn gồm những kẻ thoái hóa biến chất trù dập, loại bỏ ra khỏi bộ máy.

Tuy nhiên, việc bảo vệ những người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cần phải tránh hai khuynh hướng.

Khuynh hướng thứ nhất là hiểu sai mục đích, nội dung và kết quả của chủ trương này. Cần phải có nhận thức đúng đắn, thậm chí các cơ quan nhà nước phải cụ thể hóa và các cơ quan Đảng như cơ quan Tổ chức, Kiểm tra cũng phải hướng dẫn chi tiết điều này.

Khuynh hướng thứ hai cần tránh là lợi dụng tinh thần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Theo tôi, cái dám nghĩ, dám làm ở đây phải hiểu cho đúng đắn để tránh lạm dụng hoặc ngụy biện cho việc làm sai bằng việc vin vào cơ chế dám nghĩ, dám làm.

- Quy định mới cũng cấm đảng viên không được "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức. Tuy nhiên, điều này rất khó định lượng, theo ông làm sao để chúng ta định lượng được điều này?

+ Nên phân tích việc chống tư duy nhiệm kỳ vào hai nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là không đủ năng lực hoạch định chính sách, cho nên là thay đổi liên tục theo nhiệm kỳ.

Nhóm thứ 2, nguy hiểm hơn là xây dựng chính sách theo nhiệm kỳ để bảo vệ lợi ích nhóm, bởi trong khoảng thời gian nhiệm kỳ ấy, người ta mới vẫy vùng, trục lợi.

Có thể thấy một vấn đề đó là tính ổn định của chính sách tùy thuộc vào trí tuệ của lực lượng làm ra chính sách. Khi xây dựng đường lối, hoạch định chính sách cho cả nhiệm kỳ thì phải có tầm nhìn xa, rộng và thích hợp với từng giai đoạn.

Phân tích ở nhóm vấn đề thứ nhất, có thể thấy rằng chất lượng trí tuệ một số cán bộ hoạch định chính sách của chúng ta rất đáng bàn. Vì không đáp ứng được yêu cầu nên có những kế hoạch chưa tồn tại được 1 năm thì đã phải thay đổi. Chất lượng cán bộ, tầm nhìn tư duy không có mới có khái niệm tư duy nhiệm kỳ.

Phân tích ở nhóm vấn đề thứ hai đó tình trạng lợi ích nhóm. Mặc dù họ biết việc đó, có tầm nhìn xa, có lợi ích cho dân, cho nước nhưng họ không làm. Ổn định rồi nhưng muốn sửa lại, cục bộ, ngắn hạn để phục vụ lợi ích của họ, dễ bề thao túng, trục lợi. Thậm chí tinh vi hơn là họ mượn bàn tay tập thể để hợp thức hóa bằng biểu quyết tập thể để có quyền hạn theo luật định. Đây là điều rất nguy hiểm.

- Quy định mới cũng đưa vấn đề bằng giả, chứng chỉ giả. Việc này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

+ Vấn đề này không mới nhưng được đưa vào Quy định 37 lần này để thể hiện tính nghiêm trọng của vấn đề. Đây là vi phạm phổ biến và cần phải đưa vào điều cấm để đủ công cụ, đảng quy định vững chắc để xử lý cho có căn cứ. Bằng giả là thể hiện sự man trá, dối Đảng lừa dân của cán bộ, là vi phạm pháp luật, phản ánh sai bản chất thực của trình độ học vấn.

Nhưng tôi muốn nói vấn đề giả về mặt kiến thức mới là nguy hiểm, có người bằng thật nhưng kiến thức giả. Có bằng thật nhưng quá trình học tập mua điểm, hối lộ để có bằng thật thì đó là kiến thức giả. Thậm chí có kiến thức rồi nhưng không "tiêu hoá" được cũng là bằng giả. Bằng giả ở đây là chất lượng tri thức, chất lượng nhận thức không thật.

Đất nước luôn cần những người thực sự có trí tuệ. Trí tuệ ở đây bao hàm 3 yếu tố, một là khả năng nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội, biết đâu là đúng sai.

Thứ hai là tích lũy tri thức, đó là kiến thức về chính trị, văn hoá, tổ chức nhà nước, đòi hỏi quảng bác ở tầm chiến lược từ trên xuống dưới. Có nền tảng trí tuệ, hiểu rộng biết nhiều. Yếu tố thứ ba là khả năng vận dụng tri thức đó vào cuộc sống.

- Xin cảm ơn ông!

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ