(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp bất thường thứ 5, chiều 15/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Lo ngại chưa ngăn chặn được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đồng thời bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung dự thảo Luật. Đại biểu cho biết tại hai kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần nhưng vẫn còn băn khoăn.
Nhắc lại nội dung phát biểu của mình trước đây, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu rõ mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu.
Tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu bổ sung thêm thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp.
"Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 đến 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng" - đại biểu nói thêm.
Đại biểu nêu rõ, chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại. Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Cần luật hóa để xử lý hành vi nhân viên ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay
Góp ý vào Điều 10 của dự thảo luật Về trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật khác, tuy nhiên để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng cần nghiên cứu luật hóa để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng như các phương tiện thông tin đã phản ánh thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, qua đối chiếu với dự thảo luật trình kỳ họp thứ 6 có quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm tại Điều 188 như tại dự thảo trình kỳ họp lần này đã bỏ nội dung trên.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết trên thực tế việc thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được do bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn, thư khiếu kiện, Cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/09/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ chối thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản. Đồng thời các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ tài sản sau khi thu giữ.
Để đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan cũng như việc thượng tôn pháp luật, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần nghiên cứu lại cho phù hợp.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng rồi. Các ngân hàng vốn không có trụ sở bảo hiểm. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…
Liên quan đến nội dung giao Ngân hàng nhà nước xem xét, can thiệp sớm khi các tổ chức ngân hàng nước ngoài hoạt động rủi ro với khách hàng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đây là quy định rất nhân văn của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này.