(Tổ Quốc) - Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TP HCM.
Buổi thảo luận có sự tham gia của Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong và phó Chủ tịch TP Trần Vĩnh Tuyến với tư cách khách mời, để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của đại biểu.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nếu TPHCM phát triển nhanh sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước. |
Cân nhắc áp dụng thuế tài sản
Đa số các đại biểu đều hộ việc ban hành Nghị quyết bởi việc xây dựng Nghị quyết riêng cho TP.HCM không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về kinh tế mà cả cơ chế. Cùng đồng thuận với ý kiến trên, nhưng đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về đề nghị áp dụng thuế tài sản.
Bà Mai cho rằng, nếu áp dụng riêng cho TP.HCM sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng trong áp dụng và thực thi chính sách, tạo sự khác biệt giữa những người nộp thuế. Ngoài ra, áp dụng thuế tài sản còn ảnh hưởng đến kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tranh…
“Thí điểm phải có khác biệt nhưng ảnh hưởng đến tâm lý người dân thì cần thận trọng”, đại biểu Mai nêu quan điểm.
Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng không nên áp cứng cho TP.HCM không được trả lương cho cán bộ vượt quá 1,8 lần lương cơ bản.
“Nếu như tiết kiệm được thì chi 3 lần cũng không sao. Nên giao cho TP căn cứ vào cống hiến, chất lượng công việc để trả và nên mở cho thoáng”, ông Lợi nói.
Cùng quan điểm với đại biểu lợi, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (GĐ Bệnh viện Tim Hà Nội) cũng nhìn nhận lương tăng chính là động lực, điều kiện tiên quyết để chống lại tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, chây ì của cán bộ, công chức.
Theo đại biểu Tuấn, TP.HCM có mức sống cao thì trần 1,8 lần lương cơ bản không hợp lý. Không nên để trần, không nên cào bằng mà giao quyền cho HĐND TP tự quyết định dựa trên cân đối thu chi ngân sách, điều này sẽ tạo động lực cho cán bộ làm việc tốt hơn.
TP thu 100 đồng, chỉ giữ lại 18 đồng, điều tiết về TƯ 82 đồng
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, TP HCM đã và đang là trung tâm kinh tế lớn nhất. Do vậy, nếu thành phố phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
"Thành phố thu 100 đồng, chỉ giữ lại 18 đồng, điều tiết về trung ương 82 đồng. Vấn đề là động lực tăng trưởng của thành phố đang chậm lại. Năm 2010 tăng 10,7%, đến 2015 còn hơn 9%, qua đó làm chậm lại mức tăng chung của cả nước mà các địa phương khác có tăng nhanh hơn cũng không bù lại được", ông Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng Tài chính, các cơ chế, chính sách được đề xuất cho TP HCM chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai, đầu tư, tài chính ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền; và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Với quy định hiện hành, thẩm quyền các vấn đề này của cơ quan cấp trên, nay Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phân quyền để thành phố chủ động thực hiện.
"Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn trong phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính ngân sách, đặc biệt đề xuất cho thành phố nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản, điều chỉnh thuế suất hoặc mức thu của chính sách thu hiện hành, chúng tôi cho rằng các băn khoăn này là xác đáng", ông Dũng nói.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đã đến lúc cần áp dụng ngay cơ chế đặc thù cho TP HCM vì nơi này từ một thành phố sầm uất đang trở nên "trầm uất" với cơ chế ràng buộc.
Theo đại biểu Quốc, TP HCM là địa phương đi đầu trong đổi mới, trong việc tìm cơ chế bứt phá tuy nhiên đến nay TP vẫn nằm trong một hành lang pháp lý chung như bất kỳ địa phương nào khác.
"Trước đây chúng ta có nguyên lý là không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, còn hiện nay là không sợ thiếu, chỉ sợ cào bằng", ông Quốc nói và nhấn mạnh, việc áp dụng cơ chế đặc thù cho TP HCM cũng sẽ mang lại sự "giải thoát, bứt phá mới cho Hà Nội và cả nước"./.
Hà Giang (T/h)