(Tổ Quốc) - Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 31/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Cần chính sách, chủ trương giúp Huế phát huy các thế mạnh của mình về tiềm năng văn hóa
Phát biểu tại tổ thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An thống nhất và tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn được nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Đồng thời, khu vực dự kiến thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật.
Việc công nhận này sẽ là bước đột phá để Huế phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đã được UNESCO ghi nhận; cùng với TP.Đà Nẵng, là động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước. Bên cạnh đó, sẽ tạo động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong thời kỳ mới, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Để Đề án thành lập TP.Huế đi vào thực tiễn và hoàn thiện, đại biểu Song An cho rằng, cần có sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội, có những chính sách, chủ trương giúp Huế phát huy các thế mạnh của mình về tiềm năng văn hóa, tiếp tục phát triển, bảo tồn các di sản văn hóa, hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Đồng thời, chính quyền Thừa Thiên Huế có kế hoạch và định hướng, giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra; nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế để giúp TP.Huế trực thuộc Trung ương huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các giá trị di sản vật thể, phi vật thể và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, mang nét đặc trưng của Việt Nam, giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Huế, một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam.
Phát triển kinh tế mà không được thực thi trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thì sẽ không bền vững
Kiến nghị một số nội dung liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa trong Đề án thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu cho rằng, thứ nhất, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong báo cáo đánh giá tác động tại mục thứ 8 có nêu, tuy nhiên, cần đánh giá sâu hơn về vấn này theo đúng tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Bởi việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập: Công tác lập quy hoạch di tích còn chậm và chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển của địa phương trong khi quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh khiến nhiều di tích, công trình có giá trị đã bị hủy hoại hoặc mất đi yếu tố nguyên gốc; sự tác động của bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế thị trường dẫn đến sự xâm nhập của nhiều yếu tố văn hóa mới, khiến cho sức hút của các giá trị văn hóa truyền thống bị suy giảm; một số di tích, di sản sau trùng tu tôn tạo chưa trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa gắn liền với cộng đồng hay những điểm tham quan, du lịch được đông đảo du khách biết đến; sự hạn chế về nhân lực chuyên môn ở cơ sở dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng công tác quản lý di sản văn hóa; đội ngũ nghệ nhân, những người lưu giữ và thực hành di sản văn hóa phi vật thể ngày càng cao tuổi, việc truyền dạy di sản văn hóa cũng gặp không ít khó khăn; chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghệ nhân, người thực hành di sản;… Những hạn chế, bất cập này cần được đánh giá cụ thể trong Đề án thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương.
Thứ hai, trong quá trình quy hoạch các dự án đô thị mới cần quan tâm đến phương án bảo vệ di tích cũng như định hướng phát triển để tránh làm ảnh hưởng sự biến dạng, dẫn đến “xóa sổ” di tích. Các công trình di tích, di sản văn hóa đã được công nhận, cần có phương án thường xuyên được trùng tu, bảo tồn và phát triển. Tổ chức các hoạt động văn hóa tại các điểm di tích để người dân có cơ hội tìm hiểu và nâng cao ý thức trong bảo vệ di tích của cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách đặc thù về công tác trùng tu, tôn tạo di tích và các di tích có yêu cầu đặc biệt. Đề đẩy mạnh công tác bảo tồn đạt kết quả, góp phần nâng cao giá trị văn hóa của các công trình cũng như phát triển thành phố Huế trực thuộc trung ương theo đúng định hướng “bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững”.
Đại biểu Song An cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu hiện nay, yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được đặt ra đối với bất kỳ dân tộc hay quốc gia nào trên thế giới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng để phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bởi phát triển kinh tế mà không được thực thi trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thì sẽ không bền vững.
Cần giải quyết các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữ gìn và phát huy giá trị di sản
Tại tổ thảo luận, các ĐBQH đều bày tỏ nhất trí, sau nhiều năm phát triển, Huế đã phát triển mạnh mẽ, hội tụ đủ các yếu tố để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nêu ý kiến, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, TP.Huế là thành phố di sản và phát triển du lịch xanh thì cần tính toán kỹ cả về hạ tầng, dân số và các điều kiện cần thiết. Cần có kết nối giữa 2 thành phố trực thuộc Trung ương gần kề nhau là Đà Nẵng và Huế. Tuy nhiên, cần tính toán tới sự kết nối, phân chia phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến vẫn băn khoăn về cơ sở vật chất và sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức sau khi lên thành phố Trung ương. Trong thời gian tới, ngoài bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần gắn với phát triển kinh tế hiện đại để phát huy được giá trị, xứng tầm là thành phố trực thuộc Trung ương mà vẫn giữ được nét đẹp cổ kính của cố đô Huế.
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thì cho rằng, trước đây chúng ta nhìn nhận phát triển đô thị phải là nơi tập trung dân cư cao, nơi có nhiều tòa nhà cao tầng, phát triển các khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tư duy đó đã thay đổi, chúng ta hướng đến phát triển các đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị di sản. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh Huế là "thành phố rất đặc biệt" với nhiều "tài sản" mà không địa phương nào có được. "Nếu địa phương khác, chỉ có một di tích lăng tẩm như Huế thì sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch. Ở Huế, nơi có nhiều di tích, lại đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản"- đại biểu Bùi Hoài Sơn nói và nhấn mạnh việc thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương là rất cần thiết, đáp ứng các yêu cầu phát triển.
"Theo tôi, Huế phải là thành phố trực thuộc Trung ương từ lâu rồi. Hiện nay chúng ta trình cũng là điều vô cùng đáng mừng"- đại biểu Bùi Hoài Sơn nói. Ông cũng lưu ý khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, cần giải quyết các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữ gìn và phát huy giá trị di sản./.