• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH: Phát triển kinh tế - xã hội TP. Huế phải đặt trong yêu cầu bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa

Thực hiện: Thế Công - Xuân Trường | 21/11/2024

(Tổ Quốc) - Chiều 21/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

ĐBQH: Phát triển kinh tế - xã hội TP. Huế phải đặt trong yêu cầu bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi thảo luận chiều 21/11

Phát triển kinh tế - xã hội phải đặt trong yêu cầu bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa

Nêu ý kiến thảo luận, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, với tính chất là đô thị di sản, là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, việc nâng thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cơ hội để địa phương phát triển, nhưng vẫn giữ được nét riêng có của xứ Huế.

Đại biểu cho biết, từ thực tiễn sau khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng và Cần Thơ, thì các địa phương đã có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt đô thị thay đổi hoàn toàn, tiềm năng phát triển kinh tế phát huy tối đa. Đây cũng là cơ sở để khi TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ có sự thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ gìn phát huy các giá trị di sản văn hóa cố đô.

Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, để bảo đảm TP. Huế trực thuộc Trung ương và phát triển bền vững, thì phải làm sao giải quyết được bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Theo đó, bảo tồn phải là cốt lõi với đặc thù đô thị di sản là cố đô với nhiều nét đặc trưng riêng có đã làm nên xứ Huế hôm nay.

ĐBQH: Phát triển kinh tế - xã hội TP. Huế phải đặt trong yêu cầu bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa - Ảnh 2.

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam)

Việc phát triển kinh tế - xã hội TP. Huế phải đặt trong yêu cầu bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa. Nhấn mạnh như vậy, đại biểu đề nghị, nghiên cứu thiết kế trong Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu phát triển văn hóa gắn với đặc thù đô thị di sản để quá trình phát triển không phá vỡ không gian di sản.

Một trong những yêu cầu lớn để bảo tồn di sản cố đô Huế là di dân, giãn dân ở đại nội kinh thành Huế. Đây là nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, khó khăn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn và trải qua nhiều giai đoạn. Huế đã hoàn thành tốt công tác di dân, tái định cư giai đoạn 1 với 5.000 hộ dân, tuy nhiên vẫn còn hơn 700 hộ dân trong giai đoạn 2. Do vậy, đại biểu đề nghị Trung ương có sự hỗ trợ, đồng lòng cùng với Thừa Thiên Huế hoàn thành yêu cầu đặt ra, sớm trả lại nguyên trạng không gian cố đô Huế.

Cùng với việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế đặc thù, vượt trội phù hợp với thực tiễn để TP. Huế phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian tới.

Phải phát huy cho được giá trị di sản cố đô

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), TP. Huế trực thuộc Trung ương là nguyện vọng, khao khát gần 30 năm nay của nhân dân Huế; có cơ sở chính trị vững chắc, có đủ cơ sở pháp lý và đầy đủ các tiêu chí như quy định để TP. Huế trực thuộc Trung ương, đặc biệt là có cơ sở thực tiễn rất phong phú.

ĐBQH: Phát triển kinh tế - xã hội TP. Huế phải đặt trong yêu cầu bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Tuy nhiên, khi TP. Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh phải phát huy cho được giá trị di sản cố đô, đây là nguồn tài sản vô giá về vật chất và tinh thần của cha ông để lại và phải giữ gìn cho được bản sắc văn hóa Huế.

Tán thành với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) nhấn mạnh, thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên hiện trạng tỉnh Thừa Thiên Huế là một bước quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tỉnh trên cơ sở ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo không gian và động lực phát triển mới không chỉ đối với thành phố Huế mà còn cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Đồng thời, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

ĐBQH: Phát triển kinh tế - xã hội TP. Huế phải đặt trong yêu cầu bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa - Ảnh 4.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)

Thảo luận hội trường, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nêu quan điểm, với định hướng này cũng đòi hỏi cần có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ