(Tổ Quốc) - Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV lần đầu tiên cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội/
Cần có chiến lược hồi hương cổ vật
Cơ bản nhất trí với dự thảo luật, nội dung của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cũng bày tỏ đồng tình với việc đưa khái niệm di sản tư liệu vào dự thảo luật.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, di sản tư liệu với nội hàm là di sản văn hóa được thể hiện dưới dạng tư liệu có giá trị đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia hay đối với nhân loại nói chung. Mặc dù có thể tìm thấy di sản tư liệu ở đâu đó trong cả 2 dạng thức di sản văn hóa vật thể và cả phi vật thể, song cần phải tách di sản tư liệu ra thành một loại hình di sản mới thì mới đáp ứng việc nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu ở nước ta hiện nay và mở ra hướng phát triển trong tương lai.
Đồng thời cũng phù hợp với các chương trình của UNESCO, qua đó thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp và cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản tư liệu cũng như hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Việt Nam tới đông đảo cộng đồng trong nước và quốc tế.
Vị đại biểu này cũng bày tỏ đồng thuận với nội dung của dự thảo luật trong việc quy định về quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động của bảo tàng và di sản tư liệu. Trong chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo luật quy định Nhà nước bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa, của người đại diện.
Song, đề nghị Ban soạn thảo cần có các quy định cụ thể cho các trường hợp di sản văn hóa, tôn giáo, di tích văn hóa là cơ sở tôn giáo của các tổ chức tôn giáo do các tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý, sử dụng và là đại diện cho chủ sở hữu để giải quyết các tồn tại, bất cập, chồng chéo lâu nay trong công tác quản lý di tích giữa tổ chức tôn giáo và các Ban quản lý di tích.
Đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này được đánh giá là có nhiều điểm mới về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phù hợp với thực tiễn hiện nay, hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa và phù hợp với Công ước của UNESCO.
Quan tâm tới quy định đăng ký di vật, cổ vật tại Điều 39 dự thảo luật. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi thường trú, đại biểu cho rằng việc quy định đăng ký di vật, cổ vật là hết sức cần thiết, qua đó chúng ta có thể quản lý, nhận diện qua mã số, hình thành bộ dữ liệu di sản, quản lý việc trao đổi, mua bán di vật, cổ vật, ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật trong các di tích chùa chiền hiện nay, cũng như ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật ra nước ngoài.
Đề nghị Ban soạn thảo cần quy định mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật, cổ vật đã được đăng ký. Có như vậy, việc khuyến khích đăng ký mới có hiệu quả.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có chiến lược hồi hương cổ vật, đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Theo đại biểu, để thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước thì dự thảo luật cần tính đến việc quy định miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được hồi hương về nước không vì mục đích trao đổi, mua bán, kinh doanh kiếm lời. Có như vậy chúng ta mới thực sự thu hút được nguồn lực cho hồi hương cổ vật về nước.
Cần bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong đảm bảo nguồn tài chính để bảo vệ, phát huy di sản văn hóa
Cho ý kiến vào dự thảo Luật này, ĐBQH Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định giải thích từ ngữ cho hợp lý hơn, ví dụ như giải thích từ ngữ là phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh khoản 21, sửa chữa thường xuyên di tích khoản 22. Theo đại biểu, bản thân của các cụm từ này đã thể hiện được các nội dung ý nghĩa và không cần phải giải thích thêm, trong khi đó có những khái niệm chưa được giải thích trong dự thảo luật lần này để thống nhất cách hiểu, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.
"Ví dụ như di sản đô thị, cụ thể là di sản cổ đô thị Hội An với nhiều đặc thù không giống các di sản khác, trong đó hệ thống các di tích, di sản hiện có của đô thị cổ gắn với cuộc sống và hoạt động thường ngày của con người được cấu thành từ 1300 di tích là nhà ở, nhà thờ đơn lẻ thuộc sở hữu tư nhân và tập thể nơi những người dân địa phương đang sinh sống, đây còn được gọi là di sản sống. Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản này đòi hỏi phải có các phương thức, cách thức riêng phù hợp" - nêu vấn đề này, đại biểu cho rằng, việc bổ sung khái niệm đô thị di sản và các quy định liên quan của dự thảo luật lần này là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Góp ý vào dự thảo Luật này, ĐBQH Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho rằng, các Điều 25, 26, 27, 28, 29 của dự thảo đã đưa ra đầy đủ các việc quản lý, bảo vệ khu vực 1 và 2 của di tích. Tuy nhiên, về thực tiễn cho thấy hiện nay có khá nhiều các di tích có giáp ranh giữa 2 địa phương với nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quản lý đối với các trường hợp di tích nằm giáp ranh giới giữa 2 địa phương.
Góp ý về nguồn tài chính để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa quy định tại Điều 80 của dự thảo Luật, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ đồng tình với dự thảo luật bổ sung quy định về nguồn tài chính để bảo vệ, phát huy di sản, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, các khoản viện trợ, tài trợ, cho, tặng của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước theo quy định của pháp luật, tuy nhiên cần làm rõ nguồn thu từ di sản văn hóa là nguồn thu từ những khoản nào và được chi vào những việc gì.
Theo đại biểu, việc quản lý nguồn thu và sử dụng nguồn thu là vấn đề lớn, phức tạp, do đó cần phải có cơ chế để quản lý tốt nguồn thu, góp phần tăng thêm kinh phí cho việc đầu tư, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Đồng thời, bà cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo luật về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong đảm bảo nguồn tài chính để bảo vệ, phát huy di sản văn hóa./.