(Tổ Quốc) - ĐBQH Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục thẳng thắn tiếp thu và nỗ lực như hiện nay và hơn nữa thì chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2018 ở mức 6,5%-6,7% là có thể đạt được.
Bên lề Quốc hội, báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với ĐBQH Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM), quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM về mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ dự kiến đặt ra cho năm 2018 là 6,5% -6,7%, khi con số này không tăng cao hơn so với năm 2017.
ĐBQH Trần Anh Tuấn (Ảnh: Hà Giang) |
- Theo ông mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,7% Quốc hội đặt ra cho năm nay liệu có thể đạt được?
ĐBQH Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ là khả thi. Quý 4/2017 chúng ta chỉ cần đạt được 7,4% thì cả năm sẽ đạt 6,7%, mà theo chu kỳ thì các quý sau sẽ có tốc độ tăng cao hơn quý trước, đặc biệt là các quý cuối năm thường giải phóng lực lượng sản xuất, hàng hoá sản xuất, tăng cường xuất khẩu, thực hiện giải ngân...
Theo đó, với sự nỗ lực của Chính phủ thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho cả năm là 6,7%.
-Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm nay chúng ta có thể đạt được. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ dự kiến đặt ra cho năm 2018 là 6,5%-6,7% liệu có khả quan?
ĐBQH Trần Anh Tuấn: Với tình hình này, với đà phát triển như hiện nay và nếu như không có các yếu tố "ngoại" tác động thì con số 6,5%-6,7% là khả thi. Và nếu như năm nay chúng ta đạt được tăng trưởng 6,7% thì năm sau chúng ta cũng phải có những chỉ tiêu tương xứng hoặc hơn trở lên để chúng ta phấn đấu.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM): "Chính phủ đưa ra mục tiêu dự kiến năm 2018 là 6,5%-6,7%. Tôi cho rằng, nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2018 là 6,7%. Bởi vì mục tiêu 6,7% hài hoà với bội chi. Chi đầu tư tăng thì phải có hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, năm nay tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên sẽ tác động đến độ trễ của tăng trưởng kinh tế của năm sau. Và trong chỉ tiêu của tổng vốn đầu tư của năm 2018, chúng ta xác định khoảng 33-34%. Như vậy, vốn đầu tư xã hội không thay đổi mà còn cao hơn năm 2017 và điều này sẽ tác động đến tăng trưởng".
Trong bối cảnh hiện nay, sự quyết tâm của Chính phủ và các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, của nhân dân, cử tri cả nước trong việc hoàn thiện điều hành về chính sách tiền tệ, tài khoá cũng như điều hành chung trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nếu Chính phủ thẳng thắn tiếp thu và nỗ lực giống như hiện nay và thậm chí là hơn thì tôi nghĩ là chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2018 là có thể đạt được.
-Vậy tại sao chúng ta không đặt ra mục tiêu cao hơn nữa cho năm 2018, thưa ông?
ĐBQH Trần Anh Tuấn: Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều yếu tố khách quan tác động, trong đó yếu tố về chính trị sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, luồng vốn đầu tư vào trong nước, ảnh hưởng tới xuất khẩu...
Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến tăng trưởng của Việt Nam. Vì vậy, việc Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2018 giống như năm 2017 là khá lạc quan, tuy nhiên vẫn có sự thận trọng.
Chúng ta đạt mục tiêu 6,7% cho năm sau đã là rất nỗ lực, sẽ khiến thu nhập bình quân trên đầu người khá lên và đời sống của người dân sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chú ý tới chất lượng phát triển dài hạn, như: cải thiện về hiệu quả, phân bổ vốn đầu tư, các yếu tố liên quan đến đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh... Nếu như chúng ta đạt được các mục tiêu này thì sẽ thấy được chất lượng tăng trưởng, phát triển mang tính bền vững hơn.
Bài toán đặt ra ở đây là điều hành chính sách tài khoá, chúng ta phải linh hoạt hơn nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, kiên quyết chống thất thoát, tham nhũng...
-Chỉ mới cách đây vài tháng, nhiều chuyên gia kinh tế còn bày tỏ quan ngại về mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 là khó đạt được. Tuy nhiên, đến nay chúng ta có thể thấy rằng, mục tiêu 6,7% là khả quan. Vậy ông nhận định như thế nào về nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu này?
ĐBQH Trần Anh Tuấn: Đây là sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và toàn hệ thống. Quý 1 GDP tăng 5,15%, quý 2 GDP tăng 6,28%, đây là con số tăng trưởng thấp và không thấy được sự nỗ lực. Tuy nhiên, quý 3 GDP đã bật tăng 7,46% - đây là sự nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đưa thông điệp “Chính phủ kiến tạo” vào thực tiễn đời sống xã hội, vào nền hành chính.
Trong giai đoạn đầu của năm 2017, Chính phủ cũng đã có sự nỗ lực và phát huy trong đầu tư phát triển. Chúng ta đã có nhiều cải cách, đưa ra nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh... Đặc biệt, Chính phủ đã làm việc trực tiếp với từng bộ ngành, địa phương trong việc truyền thông điệp “Chính phủ kiến tạo” vào đời sống. Trên cơ sở đó cùng với sự nỗ lực trong thực thi, cùng với sự nỗ lực trong phòng chống tham nhũng...đã tạo nền để chúng ta có sức bật trong tăng trưởng quý 3.
Và quý 4, tôi nghĩ cũng sẽ đạt được mức tăng trưởng cao, từ đó đi đến mục tiêu 6,7% cho cả năm.
-Xin cảm ơn ông!
Hà Giang