• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐD Lê Quý Dương: ‘Ngựa non phải háu đá!’

Văn hoá 10/05/2010 16:05

(Toquoc)-'Ngựa non phải háu đá thì đến khi trưởng thành mới dày dặn kinh nghiệm được”-ĐD Lê Quý Dương chia sẻ.

(Toquoc)-“Lúc đầu, khi mới về nước, tôi đúng là một con ngựa háu đá. Nhưng tôi nghĩ cái đó là quan trọng, ngựa non phải háu đá thì đến khi trưởng thành mới dày dặn kinh nghiệm được”- Đạo diễn trẻ Lê Quý Dương chia sẻ.

Nghe tiếng đạo diễn Lê Quý Dương đã lâu nhưng chỉ đến khi anh đưa đoàn kịch của Nhà hát TNT (Vương quốc Anh) ra Hà Nội biểu diễn, tôi mới được dịp “chạm mặt”. Ngạc nhiên bởi anh trông khá trẻ so với cái tuổi 42 cũng như bề dày thành tích đã có trong nghề, càng ngạc nhiên hơn khi anh cũng “lăng xăng” làm cả những công việc “bếp núc” chuẩn bị cho một đoàn hát biểu diễn- điều xưa nay hiếm ở một đạo diễn nổi tiếng.

Xin một cái hẹn với người vẫn mang tiếng “chảnh”, anh vui vẻ nhận lời nhưng không quên bảo “mình thích ngồi ở hồ Gươm nhé”.

Thành công bởi rất châu Á

- Thật tò mò bởi lời giao hẹn trước của anh?

Thực ra tôi chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh sống đã lâu rồi, cũng từ hồi tôi đi học ở Úc về. Thi thoảng có ra Hà Nội công tác thì lần nào cũng ngồi ở đây (Hồ Gươm). Nó cho tôi cảm giác rõ rệt nhất về Hà Nội, những đổi thay của cuộc sống cũng không làm mất đi nét riêng đặc trưng của Hà Nội ở nơi đây.

- Học xong anh đã làm việc ở Úc một thời gian và đã gặt hái không ít thành công, trở thành một đạo diễn sân khấu có tiếng trên thế giới. Vậy sao anh lại quyết định trở về Việt Nam, bắt đầu lại với đầy rẫy những khó khăn và cả yếu kém của nền sân khấu nước nhà?!

Lúc đầu, khi mới về nước, tôi đúng là một con ngựa háu đá. Nhưng tôi nghĩ cái đó là quan trọng, ngựa non phải háu đá thì đến khi trưởng thành mới dày dặn kinh nghiệm được. Tại sao lại cứ bắt ngựa non không được háu đá? Nếu cứ bình thản thì đôi khi tôi thấy thật nguy hiểm. Đã là nghệ sĩ thì phải luôn hướng về phía trước.

"Một trong những lý do mà tôi thành công được ở nước ngoài chính là do tôi rất châu Á."-Lê Quý Dương nói (Ảnh:lequyduong.com)

Khi về nước, tôi cũng muốn nhanh chóng được ghi tên, được mọi người biết đến nhưng xung quanh mình có nhiều lực cản quá, những lực cản khách quan như mặt bằng dân trí, mặt bằng của các điều kiện kĩ thuật, rạp hát... Nhưng tôi tự nhủ mình không được bình thản, không được khuất phục mà phải luôn hướng về phía trước. Ở một đất nước không phải nói tiếng của mình, bạn bè đồng nghiệp không có, thậm chí ở một mức độ nào đó còn có sự kì thị về chủng tộc mà mình còn sống và gây dựng lên được một thương hiệu; huống chi về Việt Nam là nơi mình sinh ra, nơi có bạn bè, người thân, tại sao mình lại không làm được... Về Việt Nam tôi được trọn vẹn hơn, mà trọn vẹn nhất là được làm cho mình, được cống hiến mình cho đất nước.

- Về nước, không chỉ những lực cản khách quan như anh nói, mà chắc chắn có cả lực cản chủ quan. Bằng chứng rõ ràng anh đã từng bị gọi là “ngựa non háu đá”, không lẽ anh chưa từng nhụt chí?

Tôi về nước năm 2005, quả thực thời gian đó cũng có những cái rất chán nhưng rồi vẫn quyết ở lại. Đã có lúc tôi đến nói chuyện với GS Trần Văn Khê, định để chào bác rồi đi. Nhưng bác Khê có nói một điều, mà đến giờ tôi vẫn không quên, và chính nó đã tác động nhiều đến quyết định của tôi. Bác bảo: Tuỳ con, nhưng bác chỉ khuyên con hai điều, tuổi con vẫn còn trẻ thì hãy cứ đi, nhưng rồi con sẽ lại trở về như bác. Hơn nữa, bác thấy sự trở về như thế này của con rất đáng quý. Bác trở về khi đã già, sức không còn nhiều nhưng con thì về giữa lúc đang sung sức nhất, đó là điều đáng quý... Nhưng cũng có một điều khác nữa. Khi làm ở nước ngoài, tôi có sự ổn định về mọi thứ từ tiền bạc, kĩ thuật, chất lượng tác phẩm... nhưng khi về Việt Nam mình thì còn nhiều điều chưa chuẩn. Tôi nghĩ chính lúc này mới là lúc cần mình nhất. Chính lúc này mới là lúc cần sự chung tay, đóng góp nhất.

Lúc tôi sang Úc học cũng mới chỉ có 23 tuổi, khi ấy chả có âm mưu gì, cũng chẳng tính toán gì, thích là làm. Đó là kết quả của việc đọc nhiều sách vở về Phật giáo, về thiền để cuối cùng thấy rằng cõi sống cũng chỉ là một ảo giác, nó đến rồi đi, đổi thay trong từng giây phút. Nhưng quan trọng nhất là lúc nào mình cũng phải là mình, nhìn mọi thứ một cách thật thanh thản, hãy sống theo tinh thần của các thiền sư, đói thì ăn, vui thì cười, giận thì bày tỏ, không ôm khư khư cái giận trong mình... Hãy làm theo những gì mình thấy đúng và cố gắng phấn đấu cho nó. Niềm tin ấy đủ cho tôi ở lại và lập nghiệp tại quê nhà.

- Khi chưa gặp anh, tôi chắc mẩm một người đã sống và làm việc ở nước ngoài suốt 13 năm trời ít nhiều sẽ bị “Tây hoá”. Nhưng gặp rồi mới thấy anh rất ....châu Á!

Một trong những lý do mà tôi thành công được ở nước ngoài chính là do tôi rất châu Á. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cứ vận dụng một câu ca dao, tục ngữ của cha ông ta để lại thì kiểu gì cũng thấy đúng và tìm ra được cách giải quyết. Người phương Tây thường có tư duy chiếm lĩnh và sở hữu nên nếu như mình chấp nhận quy giống họ thì chắc chắn sẽ chẳng được họ nhìn nhận. Hơn nữa, mình là mình, được sống, giáo dục và lớn lên trong một nền văn hoá giàu bản sắc, tại sao phải biến nó theo cái của người khác. Hãy cứ là chính mình, bộc lộ đúng bản thân mình. Một khi cái tôi được khẳng định thì cái cộng đồng, dân tộc cũng được nâng theo. Lo chi “nước nổi” mà “bèo không nổi”.

Cái đích là sự dịch chuyển

-  Vừa về nước đã tung ra một vở diễn đi ngược với lối truyền thống và đón nhận không ít búa rìu dư luận (vở Huyền thoại cuộc sống cho Nhà hát kịch TP.HCM, nhiều ý kiến cho đó là một món lẩu thập cẩm), chắc anh cũng cảm thấy nóng mặt?

Tôi muốn tìm ra một hình thức mới cho những vốn cổ của dân tộc, làm sao để kết hợp được những nét tinh tuý của sân khấu truyền thống như tuồng, chèo với các yếu tố hiện đại để dành cho thế hệ trẻ. Ai bảo tồn thì vẫn bảo tồn, còn phát triển thì hãy cứ phát triển. Trên thế giới họ cũng làm vậy. Như ở Nhật, muốn xem kịch Nô chuẩn cũng có mà xem kịch hiện đại cũng có. Nếu chúng ta có 10 tỉ đầu tư cho sân khấu thì hãy dành 5 tỉ cho bảo tồn và 5 tỉ cho phát triển đi. Tại sao lại nghĩ rằng chỉ có một con đường duy nhất cho sân khấu truyền thống mà thôi? Cần phải lồng ghép được những yếu tố của truyền thống và hiện đại, có vậy mới thu hút được khán giả trẻ. Người đi là thành đường, vấn đề là chúng ta có dám đi hay không.

Từ ngày tôi đi cho tới khi về nước, ngót nghét cũng 13 năm nhưng sân khấu của ta vẫn thế, vẫn những gương mặt ấy, vẫn cách làm ấy, có thay đổi nhưng không đáng kể. Mình mở đường đi thì chắc chắn phải sứt đầu mẻ trán. Bản chất của nghề nghiệp, của sân khấu là thế nên phải biết chấp nhận. Chúng ta vẫn nói sân khấu là nghệ thuật đi tiên phong, đi trước thời đại mà người nghệ sĩ lại không dám đi tiên phong thì nghệ thuật đó sẽ đi đến đâu. Con người thì phải biết hướng về phía trước, hãy làm đi, dù có thành công hay không.

- Ngoài 30, anh đã là một đạo diễn sân khấu nổi tiếng, đó cũng có thể coi là một may mắn. Nhưng ở Việt Nam, không nhiều người có được may mắn như thế. Số những đạo diễn sân khấu được coi là trẻ chí ít cũng đã gần 40, và phải đến cái tuổi đó, họ mới “được” đi học đạo diễn sân khấu! Đây âu cũng là cái cổ hủ của nền sân khấu Việt.

Nói điều đó cũng phải nói tới hai chiều. Nhưng chúng ta không thể đổ tội cho các đạo diễn gạo cội bởi đó là quy luật của tự nhiên, quy luật sinh tồn. Trong một khu rừng, bao giờ những cây cao bóng cả cũng che tán. Nhưng nếu giả sử bây giờ tất cả các đạo diễn già đều ngồi chơi xơi nước, bỏ nghề thì đạo diễn trẻ sẽ ra sao? Chính những người già sẽ là một lực cản đòi hỏi anh thực sự trẻ, thực sự giỏi phải vượt qua, phải đập phá những bức tường mà bước qua. Nếu mình cảm thấy rằng mình đủ tự tin, đủ đam mê, đủ điên cuồng thì hãy chọc phá vào những con đường ấy để đi tiếp. Nếu cảm thấy không được thì hãy mở ra con đường mới và tự tạo ra những giá trị, như thế mới là sự phát triển. Sự phát triển không phải là đập phá tất cả cái cũ để tạo ra cái mới toanh. Nó là sự kế thừa, đôi khi cái cũ lại là nền tảng xúc tác. Không lẽ cứ nhìn những Doãn Hoàng Giang, Phạm Thị Thành rồi không dám vượt qua. Hãy cứ làm đi đã, hãy cứ đi trên dây, dù rằng có thành công hay không. Cái đích, đôi khi không phải là cái đích tĩnh mà là sự dịch chuyển. Đừng nhìn vào cái đích tĩnh.

- Mời những đoàn kịch ngoại vào Việt Nam biểu diễn, đây là cơ hội tốt để quảng bá và cũng để học hỏi kinh nghiệm sân khấu nước bạn, nhưng ở Việt Nam cũng chỉ mới có công ty Lê Quý Dương và Nhà hát Tuổi trẻ làm công việc này. Cuộc mở đường mới này chắc chắn gặp không ít chông gai, nhất là khi công ty của anh phải tự bỏ tiền túi ra làm?

Nhìn trên góc độ nghệ thuật thì đây là những dịp làm nghề rất vui. Chứ để nuôi sống công ty và tồn tại một cách đàng hoàng thì vẫn phải làm nhiều việc khác nữa như làm festival, đào tạo thậm chí kinh doanh. Quan điểm của tôi là một người nghệ sĩ hiện đại phải là người nghệ sĩ sống đàng hoàng.

Còn khi mời những đoàn kịch ngoại vào Việt Nam biểu diễn, như việc mời đoàn kịch của Nhà hát TNT (Anh), tôi đặt nặng lên ba vấn đề. Trước hết sân khấu nước ta cần phải được mở ra và cho cách làm sân khấu mới vào, kéo theo đó là cách thưởng thức mới. Nó tạo cho người ta không khí mới của nghệ thuật, và đặc biệt, với dân trong nghề để mọi gười thấy được một cách làm khác với những gì họ đang làm. Hơn nữa, những cuộc như thế này sẽ giúp rất nhiều cho việc định vị Việt Nam trở thành một điểm đến trên bản đồ sân khấu thế giới. Điểm đến là một tiêu chí lâu dài, tôi sẽ từng bước làm trong điều kiện và khả năng mình có thể, trong cái khát vọng của mình, và đặc biệt trong tình yêu của mình với đất nước. Với tôi, điều đó quan trọng hơn rất nhiều tiền, kể cả làm hoà vốn, thậm chí lỗ thì sẽ có cái khác bù lại. Cuộc sống rất cân bằng, ông trời không lấy hết của ai cái gì và cũng không cho ai hết cái gì.

Một điều nữa cũng hết sức quan trọng, với tôi đây là dịp để chuẩn bị một thế hệ khán giả mới cho sân khấu. Khi mình đưa ra một sản phẩm phục vụ khán giả, có thể chưa phải là số đông nhưng họ đến với mình thực chất bởi họ mong muốn được thưởng thức nghệ thuật. Họ là những khán giả có khả năng sàng lọc tác phẩm, có định vị tương đối chuẩn về thẩm mĩ, về triết học. Còn nếu giờ diễn viên lên sân khấu, diễn hài chửi tục, khán giả ở dưới ngồi kín rạp cười khanh khách thì có vẻ như đạt chuẩn về kinh tế, nhưng về mặt mỹ học lại có vấn đề. Tôi chấp nhận bán vé tay bo cho những người thực sự muốn đến với sân khấu. Còn nếu mình dễ dãi hợp đồng nọ, kia với các đơn vị để “bắt” người ta tới rạp thì rồi người xem cũng coi thường sân khấu. Đó là sự bán rẻ sân khấu, tôi không làm bởi muốn giữ lấy sự trong sáng cho nghề nghiệp của mình.

- Xin cám ơn anh!

Đạo diễn Lê Quý Dương đã đoạt các giải thưởng: Giải thưởng Văn học kịch của bang New South Wales và giải Nghệ thuật biểu diễn Winston Churchill với vở Tiệc thịt (Meat Party) - giải Đạo diễn xuất sắc với vở Lời thì thầm từ thế giới bí mật (Whispers From the Secret World) của Tổ chức Asianlink. Giải thưởng cho Vở kịch hay nhất bang Queensland (Úc) với vở Đất mẹ (Motherland).

Anh cũng dựng nhiều vở cho nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau như Nhà hát kịch TP.HCM (Bông cúc xanh trên đầm lầy, Huyền thoại cuộc sống, Chợ đời...), trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP (Ngôi nhà đông người, Giấc mộng đêm hè...), Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B (liveshow Những người nổi tiếng...), Nhà hát Múa rối T.Ư (Những giấc mơ bí mật của kangaroo và Tễu).

Thu Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ