(Tổ Quốc) - Thời gian gần đây, không khó bắt gặp hình ảnh nhiều du khách đến Huế khoác lên mình tà áo dài tham quan các điểm di tích. Đây có thể xem là một thành công lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi địa phương đang triển khai thực hiện Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam".
Phục hưng một di sản văn hóa truyền thống
Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" do Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì và bắt đầu triển khai từ tháng 8/2021, sau khi đề cương đề án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt. Từ thời điểm triển khai đến nay, Sở VHTT Thừa Thiên Huế đã phối hợp cùng các ngành, địa phương phát động phong trào mặc áo dài truyền thống, triển khai thí điểm nhiều hoạt động liên quan, qua đó đã tạo được những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.
TS. Phan Thanh Hải, Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, trong vài năm trở lại đây, phong trào phục hưng áo dài truyền thống, đặc biệt là các loại cổ phục Việt, nổi bật là áo dài ngũ thân - áo dài Huế đang diễn ra mạnh mẽ ở cả ba miền. Các phong trào nghiên cứu, tìm hiểu để "mặc đúng, mặc đẹp" áo dài truyền thống Việt ngày càng sôi nổi.
Đề cương về Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt vào ngày 19/8/2021 là căn cứ vững chắc để đẩy mạnh công cuộc chấn hưng, phục hồi và phát triển di sản áo dài Huế vì mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững của Cố đô Huế.
"Việc phát huy giá trị áo dài và xây dựng thương hiệu "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Nhưng còn hơn thế, sự tỏa sáng của "Kinh đô áo dài" không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản nhưng đang còn có sự lúng túng giữa bảo tồn và phát triển", TS. Phan Thanh Hải nhìn nhận vấn đề.
Cũng theo TS. Phan Thanh Hải, phục hưng áo dài là để mỗi người khi đến Huế phải nghĩ đến xứ sở của áo dài, phải khát khao được đến Huế để nhìn ngắm, trải nghiệm mặc áo dài, may áo dài cho bản thân và làm quà tặng cho bạn bè, người thân…. Phục hưng áo dài còn là để phục hồi cả một hệ thống ngành nghề liên quan đến áo dài, từ đó có thể tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người.
Phục hưng áo dài là để từng bước đào tạo, bồi đắp, nâng tầm các nghệ nhân áo dài của Huế, để Huế có một đội ngũ nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế. Và như thế, phục hưng áo dài sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Cố đô Huế, nâng cao mức sống của người dân.
Nhiều tín hiệu tích cực
Thực tế, khoảng thời gian trở lại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều du khách mang áo dài khi tham quan tại các điểm đến du lịch Huế. Khi tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", du khách đến Huế tìm đến tà áo dài nhiều hơn. Đây có thể xem là những thành công bước đầu của địa phương khi thực hiện đề án.
Bà Trần Thị Loan (Tiểu thương chợ Đông Ba) cho hay, xưa nay, áo dài Huế luôn được du khách đến Huế đặc biệt quan tâm. Hai năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh, mua bán áo dài có bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, du lịch trở lại bình thường, nhiều du khách đến Huế đã tìm thuê áo dài cổ phục, nhiều cơ sở mở áo dài cổ phục cho thuê làm ăn khá phát đạt.
Nhà thiết kế Hạnh Mai, Giám đốc thương hiệu Cổ phục Hoàng Cung chia sẻ, việc triển khai Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" đã mang lại hiệu quả thiết thực hơn những kênh maketing thông thường khác. Mang áo dài không những là sự nhìn nhận cái đẹp mà còn là là sự công nhận của cơ quan chức năng. Điều đó làm thúc đẩy nhu cầu thực tiễn của du khách khi đến Huế. Nhiều du khách cảm nhận được niềm hãnh diện khi mặc áo dài, vừa đẹp vừa được nhiều sự quan tâm. Hiện tại, qua các kênh review, check in, những bài viết về Huế, du khách mặc áo dài cổ phục thường được nhiều lượt like, share…
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc Điều hành Khách sạn Mường Thanh Huế đánh giá, việc triển khai Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" có nhiều ý nghĩa tích cực đối với du lịch Thừa Thiên Huế. Cụ thể, đã tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với thương hiệu và thế mạnh của địa phương. Tăng thêm các hoạt động của du khách tại Huế, kéo dài thời gian lưu trú. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tạo được ấn tượng với du khách thông qua trang phục áo dài, đào tạo nhân viên có những cách thức giao tiếp đặc trưng, phù hợp với trang phục văn hóa. Bên cạnh đó, đã thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, tạo thêm thu nhập cho các cơ sở phục vụ dịch vụ du lịch như may đo áo dài, cho thuê áo dài, chụp ảnh, tìm hiểu về lịch sử phát triển của áo dài trong quá trình tham quan…
"Các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú luôn sẵn sàng hưởng ứng việc mặc áo dài, đưa áo dài trở thành đồng phục đặc trưng của dịch vụ lưu trú tại Huế", Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy khẳng định.
Để đẩy mạnh công cuộc bảo tồn, phục hưng và phát huy giá trị di sản áo dài theo tinh thần đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", TS. Phan Thanh Hải đã đề xuất một số nhiệm vụ trong thời gian tới như: Cần nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; Xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông về áo dài Huế; Tổ chức Ngày hội áo dài Huế định kỳ hàng năm, biến đây trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam"; Xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác quảng bá, truyền thông và phát triển ngành may đo áo dài Huế; Hình thành trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài; Xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Xây dựng chương trình quảng bá và các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.