Những năm gần đây, yêu cầu của sự phát triển đất nước đang đặt văn học Việt Nam trước nhiều vấn đề cần giải quyết, để từ đó có thể sáng tạo nên các tác phẩm "ngang tầm thời đại". Văn học viết cho thiếu nhi cũng có vấn đề riêng. Dưới đây là ý kiến của một số nhà văn chung quanh mảng đề tài này.
Những năm gần đây, yêu cầu của sự phát triển đất nước đang đặt văn học Việt Nam trước nhiều vấn đề cần giải quyết, để từ đó có thể sáng tạo nên các tác phẩm "ngang tầm thời đại". Văn học viết cho thiếu nhi cũng có vấn đề riêng. Dưới đây là ý kiến của một số nhà văn chung quanh mảng đề tài này.
* Khơi gợi và bảo vệ tâm hồn ngây thơ, trong trắng của các em (LÊ PHƯƠNG LIÊN - Trưởng Ban văn học Thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt
Chúng ta đều biết rằng trẻ em hiện nay đang sống trong một xã hội mới rất dồi dào thông tin. Các luồng thông tin đến với trẻ em từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa đều rất đa dạng và đa chiều. Do đó cách nhìn, cách cảm nhận thế giới và xã hội của bạn đọc nhỏ tuổi thời nay đã khác xa với bạn đọc cách đây vài chục năm. Tuy nhiên thế giới tưởng tượng trong tâm hồn trẻ em vẫn là một "thế giới ít nhiều nguyên thủy". Do đó, việc khơi gợi trong tâm hồn các em một thế giới tươi mát, hồn nhiên vẫn là việc làm của các nhà văn viết cho thiếu nhi.
Có ý kiến cho rằng, tuổi thơ có thể đọc được cả sách người lớn và sự thật là có rất nhiều người nay đã thành danh, đã đọc rất nhiều tiểu thuyết xã hội từ khi còn ở tuổi thiếu niên, nhi đồng. Nhưng điều đó không có nghĩa là không cần sự tồn tại của một dòng "văn học thiếu nhi".
Tôi cho rằng, văn học thiếu nhi giúp cho trẻ em bảo vệ và giữ gìn được tâm hồn ngây thơ, trong trắng của mình, cách nhìn trong sáng vào đời sống. Ðọc văn học thiếu nhi, các em sẽ đỡ "chóng già", đỡ "chóng khôn", đỡ "chóng lớn" hơn mức bình thường nếu như các em sớm tiếp xúc với văn chương dành cho người lớn.
Ngay cả người lớn đôi khi cũng cần tới văn học thiếu nhi. Bởi vì, khi bước vào trang sách "văn học thiếu nhi", người lớn tìm thấy lại tuổi thơ của mình, tìm thấy lại hình ảnh tươi trẻ của mình và như thế sẽ nâng đỡ tâm hồn mình trong đời sống nhiều khi rất cam go của đời thường. Có lẽ vì lý do đó mà cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới được đón đọc rầm rộ như vậy.
Còn nhà văn Trần Hoài Dương, một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi có lần tâm sự: "Mình muốn viết cho thiếu nhi là viết cái đẹp của tâm hồn trẻ thơ. Một tâm hồn trẻ thơ mãi mãi tồn tại trong một người lớn tuổi, từng trải như mình".
Tôi trình bày những ý kiến trên đây chủ yếu để muốn nói rằng: Sự thay đổi của một nhà văn để tiếp cận với bạn đọc trẻ hiện nay là tùy ở từng phong cách. Có những nhà văn trẻ sẽ tự đổi mới mình, tìm cách thể hiện mới mà có lẽ vẫn chỉ là tâm hồn của cô bé, cậu bé muôn thuở vẫn ở trong mình bấy lâu nay chưa có dịp bộc lộ trên trang giấy.
Gần đây, NXB Kim Ðồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Ðan Mạch có phối hợp phát động cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi theo phong cách giả tưởng với chủ đề Một ngày kỳ lạ. Cuộc thi đang đón đợi sự thể hiện văn học thiếu nhi theo hướng kỳ diệu hóa, tạo ra một thế giới tưởng tượng trong thế giới có thật đang tồn tại. Sự thể hiện này là sự mô tả đời sống hợp với tâm hồn trẻ thơ hơn nữa mà thôi. Cuộc thi đang đón đợi sự xuất hiện của các tài năng mới, thể hiện một lối viết mới trong văn học thiếu nhi.
* Cần tiếp thu những gì tốt đẹp nhất của truyền thống (Nhà văn KHÔI VŨ)
Tôi cho rằng, những gì hay và đẹp đến mức cổ điển trong văn học thiếu nhi như Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài thì chắc có gọi là "viết theo lối truyền thống" thì vẫn sống mãi trong thời hiện đại. Và, sự đổi mới của văn học thiếu nhi cần dựa trên việc tìm hiểu kỹ càng, sâu sắc những giá trị thẩm mỹ truyền thống của cha ông từ ngàn xưa đã dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Sự đổi mới của các nhà văn là do chính các nhà văn tìm tòi, khám phá đời sống và chỉ có tình yêu thắm thiết với tuổi thơ mới là nguồn cảm hứng thăng hoa cho từng nghệ sĩ.
Việc xuất bản sách văn học viết cho thiếu nhi cho đến nay được các nhà xuất bản như Kim Ðồng, Trẻ TP HCM, Giáo dục; cùng một vài nhà xuất bản ở địa phương khác như Ðồng Nai... đã làm khá tốt. Thời gian gần đây còn có sự liên kết của một số công ty văn hóa cùng làm sách cho trẻ em, làm cho số đầu sách và chất lượng in ấn có phần phong phú hơn.
Một điểm khác là số tác giả viết cho thiếu nhi, ngoài những tên tuổi cũ, đã xuất hiện trong danh sách tác giả những cây bút trẻ hơn, là sinh viên hoặc thậm chí còn ở lứa tuổi học sinh THPT. Tôi cho rằng thông qua các nhà xuất bản, thông qua việc cho phép liên kết xuất bản... đã tạo được một thị trường sách văn học khá đầy đủ, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của các em.
Nhưng, chỉ làm tốt việc xuất bản thì chưa đủ, vì thường chỉ có người lớn mới có khả năng tự chọn sách, tự mua sách để đọc còn trẻ em thì rất khó được như vậy. Do đó, các em rất cần có sự giới thiệu, hướng dẫn... để có thể tiếp xúc với những tác phẩm hay (theo nghĩa hẹp là có ích, nâng cao vai trò của thẩm mỹ cho các em). Ðây lại chính là khâu còn yếu đối với chúng ta, như:
- Các nhà xuất bản sau khi in ra sách thì hầu như cho rằng mình "hoàn thành nhiệm vụ". Việc quảng bá các tác phẩm trong nước rất hạn chế, trong khi có hẳn những "chiến dịch quảng bá" cho sách của tác giả nước ngoài.
- Báo chí giới thiệu tác phẩm viết cho người lớn là chính, còn việc giới thiệu tác phẩm viết cho thiếu nhi thì quá hiếm hoi, nếu không nói là không được chú ý.
- Hệ thống thư viện các trường học, các nhà thiếu nhi... vẫn để các em "tự chọn" chứ ít thấy có sự giới thiệu (qua hình thức Câu lạc bộ đọc sách hoặc các hình thức khác: thông báo trên bảng, trao đổi trực tiếp...).
- Một tờ báo thuần túy văn học, dành riêng cho thiếu nhi vẫn còn là mơ ước xa vời của các em ham mê văn học (cả đọc lẫn sáng tác) và của cả các nhà văn, nhà thơ tâm huyết với văn học thiếu nhi.
Tôi nghĩ, tất cả chúng ta nên cùng nhau suy nghĩ để tìm ra giải pháp khắc phục các hạn chế trên. Vì dù là văn chương hay bất cứ lĩnh vực hoạt động nào của xã hội thì khi chúng ta hướng tới các em, là khi chúng ta hướng tới tương lai của đất nước.
* Phải viết bằng tấm lòng yêu trẻ (Nhà văn KAO SƠN)
Chúng ta ai cũng có một tuổi thơ, dẫu đó có quãng thời gian gian khổ thì vẫn là quãng đời đẹp nhất của mỗi người. Kỷ niệm tuổi thơ luôn sống mãi trong ký ức của chúng ta. Với nhà văn viết cho thiếu nhi, đây là một lợi thế hết sức quý. Khi cầm bút viết cho thiếu nhi, mỗi nhà văn đều ít nhiều có những điều được khai thác từ cuộc đời của chính mình, từ tuổi thơ mình và vì vậy, người viết luôn có ước nguyện sẽ viết làm sao để đem lại cho các em những điều tốt đẹp nhất, nhân văn nhất.
Không có nhà văn nào nỡ bôi nhọ tuổi thơ hoặc viết để dạy các em làm theo điều xấu. Vì thế, theo tôi, về nội dung có lẽ không cần phải bàn nhiều. Bảo đảm tiêu chí chung của văn học, văn học viết cho thiếu nhi vẫn luôn bảo đảm các yếu tố cơ bản chân - thiện - mỹ.
Nhưng có nội dung tốt, tư tưởng tốt chưa đủ. Vấn đề là làm cách nào để đưa được những điều tốt đẹp ấy đến với các em? Tìm tòi sao cho có hình thức và phương pháp nghệ thuật mới để viết cho hấp dẫn, cho hay để thay thế cách nghĩ, cách viết cũ đã và đang trở thành vấn đề hết sức cần thiết, hết sức quan trọng và cũng là vấn đề hết sức khó khăn đối với mỗi nhà văn khi viết cho thiếu nhi.
Tuổi trẻ nói chung và các em đang ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng đang cần và rất cần xã hội có những tấm gương sáng để noi theo: Ðó là những con người tốt, những con người có ý chí và hành động vì nghĩa lớn, vì những điều tốt đẹp mà sẵn sàng xả thân; những con người bình thường nhưng lại biết quên mình, hy sinh cho cộng đồng, cho nhân loại để bảo vệ cái đẹp, cái chân lý; những con người biết làm giàu một cách chân chính cho bản thân mình và cho xã hội...
Thời thơ ấu của tôi, có Pa-ven Coóc-sa-gin, có Ruồi Trâu, có Kiếm Ba, có Võ Thị Sáu, Trần Quốc Toản,... những nhân vật văn học có thật để noi theo, để tôn vinh, để mơ ước trở thành họ. Và bên cạnh đó cũng có cả Tôn Ngộ Không, Na Tra thái tử, Thạch Sanh..., những nhân vật huyền thoại để ngưỡng mộ. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, kinh tế thị trường đang có một số tác động không nhỏ tới tâm lý sống và không phải không làm thay đổi quan điểm sống của không ít các bạn nhỏ.
Bên cạnh đó là phương thức dạy văn, học văn khô cứng, rồi điều kiện kinh tế, rồi sự đa dạng của các loại hình nghệ thuật mà trong đó không ít có sự cẩu thả, vô trách nhiệm... đã tác động đến khán giả và bạn đọc nhỏ tuổi. Và đây thật sự là một khó khăn đối với nhà văn khi viết văn cho thiếu nhi. Tuy vậy tôi vẫn tin, bằng tấm lòng yêu trẻ, bằng sự nỗ lực để tạo ra những tác phẩm hay, hấp dẫn, lạ... của các nhà văn, văn học thiếu nhi sẽ phát triển và ngày càng được trẻ em đón nhận - đó là hạnh phúc cao nhất của nhà văn viết cho thiếu nhi.
Theo ND