(Cinet) - Ra đời cách đây 75 năm, nhưng những tư tưởng trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” vẫn còn nguyên giá trị, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
(Cinet) - Ra đời cách đây 75 năm, nhưng những tư tưởng trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” vẫn còn nguyên giá trị, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam
Từ những ngày đầu kháng chiến, khi đất nước đang phải trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ cho nhân dân biết trước mắt không chỉ có một thứ giặc, mà là ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Cả ba thứ giặc đều nguy hiểm như nhau, và chiến thắng ba thứ giặc đều vinh dự như nhau. Tư tưởng đó càng khẳng định quan điểm của những người cộng sản đối với lĩnh vực văn hóa: Văn hóa không tách rời sự nghiệp cách mạng. Quán triệt tư tưởng của Đề cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”. Văn hóa được coi như một mặt trận, một động lực và mục tiêu của cuộc kháng chiến. Văn hóa trở thành nội dung đồng hành của sự nghiệp kháng chiến. Sự nghiệp xây dựng văn hóa mới theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng đã tạo tiềm lực cho sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc và mỗi bước thắng lợi của kháng chiến lại tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta nhận thấy vai trò to lớn của mặt trận văn hóa. Ảnh sưu tầm Internet |
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta nhận thấy vai trò to lớn của mặt trận văn hóa. Theo đó, phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ hoạt động về văn hóa, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phát xít thụt lùi, văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Do vậy, tại Hội nghị Thường vụ Trung ương từ ngày 25 đến 28/2/1943, Đảng ta xác định phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng. Vì thế, “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” đã ra đời.
Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố năm 1943. Đây được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân. Trong bối cảnh “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” của xã hội Việt Nam lúc đó, thì sự xuất hiện của bản Đề cương văn hóa 1943 đã thức tỉnh, lôi cuốn và tập hợp đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung, giới trí thức và những người hoạt động văn hóa nói riêng tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa, sự áp bức về chính trị và sự bóc lột về kinh tế của chủ nghĩa thực dân.
Thực tiễn cách mạng đã chỉ ra rằng, cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ chính là Đề cương về văn hóa Việt Nam. Từ gốc rễ đó, Đảng cộng sản Việt Nam suốt 75 năm qua đã luôn kiên trì lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta theo ba nguyên tắc vận động: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; luôn đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, để từ đó phát triển và cụ thể hóa thành các tư tưởng về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, tháng 7 năm1998), tư tưởng về “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách của con người” (Nghị quyết số 33 tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, năm 2014). Không chỉ thế, Đề cương văn hóa còn khai mở cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa, tiếp tục soi đường cho nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới.
Ý nghĩa và giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam, ngày 17/5, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Ý nghĩa và giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943”, với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên…
PGS.TS Đặng Hữu Toàn - Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXHNV phát biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo đã nhận được 30 tham luận của các nhà khoa học, các giảng viên, cộng tác viên trong và ngoài Trường gửi về. Các bài viết đã tiếp cận bản Đề cương văn hóa Việt Nam theo nhiều phương diện khác nhau khi cùng bàn về một vấn đề chung trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các ý tưởng của những nhà nghiên cứu trước đó, đưa ra những quan điểm riêng của mình, nhưng đều chú trọng vào việc khẳng định giá trị soi đường, sự trường tồn của Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng và việc vận dụng những tư tưởng của Đề cương văn hóa vào quá trình xây dựng nền văn hóa dân tộc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung như: khẳng định giá trị lịch sử, giá trị khoa học và vai trò định hướng, đặt nền móng cho nền văn hóa Việt Nam trong suốt 75 năm qua của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943; sự vận dụng những tư tưởng của Đề cương văn hóa 1943 vào quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử; quan điểm của Đảng về vai trò văn hóa trong phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới theo định hướng Đề cương văn hóa năm 1943 và từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 nhìn nhận về vai trò của cán bộ văn hóa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa…
Nói về giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam, PGS. TS Đặng Hữu Toàn- Viện Triết học- Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định: Đề cương văn hóa Việt Nam không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà còn có ý nghĩa thời đại. Quan điểm mà Đảng ta đưa ra trong Đề cương này về cách nhìn nhận, cách hiểu văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế, giữa văn hóa với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế, giờ đây vẫn đúng khi mà, trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
PGS.TS Nguyễn Thị Hương - Viện Văn hóa và Phát triển nhận định: Sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam đã thực sự đem lại một bước tiến mới về chất so với phương pháp tiếp cận đương thời về văn hóa dân tộc. Thực tiễn cánh mạng Việt Nam, nhất là thành tựu của công cuộc đổi mới trong hơn 30 năm qua đã minh chứng rằng, những quan điểm của Đề cương vẫn còn giá trị định hướng cho phát triển văn hóa hôm nay.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thị Hương, TS. Chử Thị Thu Hà- Khoa Văn hóa Dân tộc- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định: Từ giá trị cốt lõi về tính dân tộc, đại chúng, khoa học của nền văn hóa mới mà Đề cương văn hóa 1943 đưa ra, nó được bổ sung phát triển trong Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII với dung tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và hiện nay là được cụ thể hơn, sâu sát hơn trong nội dung Nghị quyết Trung ương 9, Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Có thể nói, mặc dù những vấn đề mà Hội thảo đặt ra không còn mới mẻ nhưng vẫn cần thiết khi chúng ta đang hướng tới xây dựng một nền văn hóa Việt Nam vừa đậm đà tính dân tộc, vừa bắt kịp xu thế phát triển của văn hóa nhân loại, mà ở đó ta vẫn thấy tinh thần của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 vẫn đang là nền tảng cơ bản để kiến tạo một nền văn hóa tương lai cho đất nước. Vì vậy, làm sâu sắc hơn những vấn đề trên là một hoạt động nghiên cứu khoa học bổ ích và ý nghĩa.
Hội thảo là dịp để chúng ta cùng nhìn lại và đánh giá tầm quan trọng của việc ra đời bản Đề cương văn hóa Việt nam do đòng chí Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng soạn thảo. Đây là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng mà chúng ta xây dựng, 75 năm đã qua đi, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều đổi thay nhưng những nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.
PGS. TS. Phạm Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Phụ trách trường Đại học văn hóa Hà Nội
Là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa có quy mô lớn nhất cả nước, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống lý luận văn hóa, vận dụng những đường lối quan điếm phát triển văn hóa của Đảng trong hoạt động đào tạo. Chính vì vậy, nghiên cứu những tác phẩm quan trọng về văn hóa của Đảng, đặc biệt là Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 là một công việc cần thiết và thường xuyên.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã từng tổ chức những cuộc Hội thảo kỷ niệm 60 năm, 65 năm, 70 năm ra đời của Đề cương văn hóa với sự tham gia đầy nhiệt huyết của các nhà khoa-học, các cán bộ giảng viên trong và ngoài Trường. Năm năm trôi qua, cùng với những thay đổi về tình hình trong nước, thế giới, một lần nữa chúng ta lại cùng nhau nghiên cứu, đánh giá và chứng minh những giá trị to lớn mà Đề cương văn hóa năm 1943 đem lại trong thời điểm hiện tại và trong sự phát triển tương lai của nền văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, kỷ niệm 75 năm tác phẩm ra đời của bản đề cương lịch sử này, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội quyết định tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ý nghĩa và giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943”.