• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943: Bài 2 - Ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước

Thực hiện: Xuân Trường | 23/02/2023

(Tổ Quốc) - Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Đào Duy Quát khẳng định, Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 đã thực sự đã trở thành ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước vào cuộc chiến đấu phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít, thực dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa tinh thần của toàn dân tộc cho thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa

PGS.TS Đào Duy Quát (nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương) nhắc lại, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 Đề cương Văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã đọc một bài diễn văn quan trọng đề cập tới những nội dung cơ bản, những giá trị cốt lõi của Văn kiện lịch sử này: "Đề cương văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế vì trong hoàn cảnh bí mật Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu sắc các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam. Nhưng Đề cương văn hóa đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của Văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam".

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước - Ảnh 1.

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1 - (Ảnh: Nam Nguyễn)

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, trên cơ sở phương pháp luận Mác xít, gắn chặt với phân tích sâu sắc thực tiễn, nhất là thực trạng của nền văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị, kìm kẹp, nô dịch của Phát xít Nhật – Pháp, Đề cương đã trình bày những thành tố chủ yếu của nội hàm văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật (khoa học), nghệ thuật (văn học nghệ thuật) cùng mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố này.

Trong ba thành tố chủ yếu trên, Tư tưởng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của văn hóa. Tư tưởng liên quan trực tiếp đến thế giới quan, nhân sinh quan, đến nhận thức, tình cảm, đến cách ứng xử của con người đối với xã hội, đối với tự nhiên, đối với bản thân. Tư tưởng, đạo đức, lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa.

Còn thành tố Học thuật (khoa học) là yếu tố nền tảng, quyết định đến tính chất, chất lượng của nền văn hóa. Học thuật liên quan trực tiếp đến tri thức khoa học, đến học vấn, đến sự hiểu biết là điều kiện để con người khám phá và cải tạo thế giới. Do đó, Học thuật-khoa học liên quan trực tiếp đến hoạt động giáo dục, đào tạo, đến trao truyền tri thức, bồi dưỡng nâng cao dân trí… Học thuật-khoa học đòi hỏi mọi người nêu cao tinh thần không ngừng học tập, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nâng cao tri thức, năng lực hoạt động thực tiễn.

Còn thành tố Nghệ thuật (văn học nghệ thuật) là lĩnh vực rất quan trọng và tinh tế của văn hóa, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Văn học có vai trò quan trọng không gì có thể thay thế trong việc giáo dục bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người.

Thức tỉnh những trí thức văn nghệ sĩ đang bi quan, dao động, mất phương hướng

Đề cập đến vị trí và vai trò của Văn hóa trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Đề cương khẳng định: "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới có ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả".

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước - Ảnh 2.

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương.

Đề cương xác định 3 nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam thời kỳ này là:

- Dân tộc hóa; chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập.

- Đại chúng hóa; chống lại mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.

- Khoa học hóa; chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.

Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương khẳng định, tính thuyết phục và chiến đấu cao của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hành động của Đề cương văn hóa đã thức tỉnh những trí thức văn nghệ sĩ đang bi quan, dao động, mất phương hướng nay thấy được: Muốn giải phóng mình thì phải tự nguyện dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, trí thức văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Văn kiện lịch sử này thực sự đã trở thành ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước vào cuộc chiến đấu phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít, thực dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa tinh thần của toàn dân tộc cho thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945.

Với những nội dung được trình bày trong Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 cùng sức mạnh văn hóa tinh thần được tạo ra trong cuộc vận động văn hóa từ tháng 2/1943 đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng 8, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa.

Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công, trong tình cảnh tập trung chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị văn hóa Toàn quốc lần thứ I (11/1946) và Hội nghị văn hóa Toàn quốc lần thứ II (7/1948). Hai sự kiện lịch sử này có ý nghĩa như Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, khẳng định tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về vị trí vai trò của văn hóa, về đường lối xây dựng "một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân" và "nền văn hóa mới của nước nhà, lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở", để "Đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập tự cường và tự chủ".

Sau hội nghị văn hóa, với phương châm hành động: "Văn hóa hóa kháng chiến", "Kháng chiến hóa văn hóa", "Xây dựng đời sống mới", văn hóa Việt Nam đã thực sự là động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho hai cuộc kháng chiến, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước - Ảnh 3.

Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Từ năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Đường lối đổi mới của Đảng trong lĩnh vực văn hóa kết tinh trong hai Nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kế thừa và phát triển sáng tạo các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Đề cương về văn hóa 1943, trong Đường lối xây dựng nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhận thức đúng đắn quy luật vận động của các thành tố văn hóa trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc, Đảng ta khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hai tính chất chủ yếu: Tiên tiến và dân tộc.

PGS.TS Đào Duy Quát khẳng định, tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.

Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc. Lòng nhân ái khoan dung trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo.

Về mục tiêu, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo Trung ương chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định phải tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "Nền tảng tinh thần", "động lực, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững" và "Soi đường cho quốc dân đi", phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vận hội, vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Do đó, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm; là một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội XIII đề cập một cách toàn diện và sâu sắc vấn đề phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới từ quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Báo cáo chính trị nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người, là quan trọng nhất".

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, kế thừa và phát huy sáng tạo phương thức lãnh đạo văn hóa của Đảng trong những năm đầu giành được chính quyền, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 với 600 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa của các lực lượng, các lĩnh vực của đời sống văn hóa cùng các đại biểu tiêu biểu cho đội ngũ trí thức, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ của cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự "Hội nghị Diên Hồng" để chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước - Ảnh 4.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra ngày 24/11/2021 - (Ảnh: Nam Nguyễn)

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lịch sử này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng toàn dân để "tiếp tục xây dựng, giữ gìn và chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc".

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, để chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền hô, hậu ủng", "nhất hô, bá ứng", "trên dưới đồng lòng", và "dọc ngang thông suốt", chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo: Công tác tư tưởng phải gắn bó chặt chẽ với công tác tổ chức, cán bộ, với cơ chế chính sách trong thực hiện chương trình quốc gia có mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến năm 2045.

Từ mô hình thành công về việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ XII và XIII, PGS.TS Đào Duy Quát kiến nghị Trung ương Đảng thành lập Ban chỉ đạo Trung ương chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2045.

Trung ương cử một đồng chí lãnh đạo chủ chốt làm Trưởng ban. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là cơ quan thường trực. Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, mặt trận có liên quan đến sự nghiệp chấn hưng văn hóa Việt Nam sẽ tham gia Ban chỉ đạo này./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ