(Toquoc)- Nhân Hội thảo khoa học “70 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, tại Hà Nội, tháng 9/2013. Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện như một ý kiến thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu và đẹp của chúng ta.
(Toquoc)- Nhân Hội thảo khoa học “70 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, tại Hà Nội, tháng 9/2013. Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện như một ý kiến thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu và đẹp của chúng ta.
Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), mặc dù chưa bao quát đề cập tới mọi khía cạnh phong phú của vấn đề đặt ra và không tránh khỏi một số hạn chế lịch sử khi xem xét, nhận định về một vài hiện tượng của lịch sử tư tưởng và trường phái văn nghệ trên thế giới, song không thể không thừa nhận giá trị cơ bản, tầm vóc cùng ý nghĩa to lớn của Đề cương.
Đề cương thể hiện tầm nhìn sâu sắc, triệt để, tư duy mácxít - lêninnít xây nền đặt móng, vạch đường dẫn lối về phương hướng chiến lược, dự báo những bước phát triển viễn cảnh của nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Suốt bảy thập kỷ qua, Đề cương đã phát huy tác dụng tích cực của nó trong đời sống văn hóa, văn nghệ, tư tưởng, học thuật của xã hội ta nhịp theo những chặng đường lịch sử dân tộc và cách mạng. Và cùng với các văn kiện tiếp đó của Đảng, Đề cương trong vai trò văn kiện mở đầu, đã chứng tỏ tính cách mạng, tính khoa học, minh triết trong tư duy lý luận mácxít - lêninnít kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thật kỳ lạ về sự nhất quán giữa ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới do Đảng chủ trì: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa nêu lên trong Đề cương được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2/1943 thông qua, với tư tưởng của Hồ Chí Minh qua thơ Người làm trong tù ngục Tưởng Giới Thạch, năm 1943:
“Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã yếu hội xung phong”
Dịch:
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Trong phần cuối của Đề cương, khi đề cập đến một loạt các vấn đề phải cần kíp thực hiện ngay nhằm mục đích xây dựng nền văn hóa mới (văn hóa tân dân chủ), Đề cương đã chú ý đề cập tới vấn đề “tranh đấu về tiếng nói và chữ viết” trên 3 phương diện chính:
“ - thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói;
- ổn định mẹo văn ta;
- cải cách chữ quốc ngữ…”
Tại sao lại như vậy? Tôi nghĩ ở đây Đảng Cộng sản Việt Nam đã quán triệt các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề văn hóa và vấn đề dân tộc. Theo đó, ngôn ngữ dân tộc là nhân tố góp phần quan trọng và quyết định vào việc hình thành và phát triển dân tộc, quốc gia; ngôn ngữ dân tộc là một phương diện cho thấy “bản lai diện mục”, đặc sắc riêng của văn hóa mỗi dân tộc. Ngôn ngữ dân tộc thể hiện qua tiếng nói và chữ viết của dân tộc ấy là thước đo minh chứng về sự tồn tại và bền vững của dân tộc và quốc gia. Đấu tranh cho sự tồn tại và phát triển của ngôn ngữ dân tộc là đảm bảo cho bản sắc văn hóa của dân tộc và quốc gia. Trong thăng trầm của trường tồn lịch sử dân tộc, đã có những thời kỳ đất nước ta bị ngoại xâm phương Bắc và phương Tây thống trị, áp đặt văn hóa ngoại bang và ngôn ngữ của quốc gia xâm lược. Nhưng với sự quật cường của tinh thần dân tộc, chúng ta bên cạnh việc đứng lên phát động cuộc chiến tranh bảo vệ và giành lại nền độc lập cho đất nước, đã không ngừng duy trì tiếng nói và chữ viết dân tộc, vì trong đó chứa đựng gốc rễ của nền tảng văn hóa dân tộc, quốc hồn, quốc túy kết tinh từ mấy ngàn năm lịch sử.
Việc tranh đấu về tiếng nói và chữ viết, đứng ở phương diện quốc gia, là duy trì sự thống nhất và giàu có của tiếng Việt, của văn tự tiếng Việt (chữ viết) và ngữ pháp tiếng Việt (mẹo văn ta).
Sau Cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của đất nước, là phương tiện quan trọng của giao tiếp xã hội, giao lưu và phát triển văn hóa, văn học.
Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc trau dồi và phát triển tiếng Việt, phát huy khả năng của tiếng Việt, làm giàu tiếng Việt, để nó trở thành công cụ hữu ích trong đời sống xã hội và trong phát triển văn hóa dân tộc. Tiếng Việt được học trong ngành giáo dục ở các cấp học (phổ thông, đại học, sau đại học); nền văn học và báo chí mà phương tiện ngôn ngữ biểu đạt cơ bản của nó là tiếng Việt văn hóa - tức tiếng Việt kết tinh trên cơ sở ngôn ngữ tiếng Việt toàn dân, trở thành công cụ giao tiếp thẩm mỹ và thành tựu văn hóa chuẩn mực. Các trí thức là nhà giáo, nhà văn, nhà báo cùng với nhà trường, nền văn học và nền báo chí hiện đại giữ một vai trò đầu tầu quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển công cụ văn hóa là tiếng Việt.
Sau Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, tư tưởng về tranh đấu làm giàu thêm cho tiếng nói của dân tộc vẫn tiếp tục được đề cao và phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng - các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đồng thời cũng là những nhà văn hóa lớn, những cây bút đại gia, đều rất quan tâm nhắc nhở và thực hành gương mẫu về việc sử dụng tiếng Việt trong nói và viết.
Ngay sau Cách mạng tháng 8 thành công, trong những ngày kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc Bác Hồ viết Sửa đổi lối làm việc. Theo tấm gương của Lênin tuyên chiến với nguy cơ đang làm hỏng tiếng Nga trong ngày đầu của chính quyền Xô viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê bình thói ba hoa của cán bộ trong khi nói và viết, bệnh sính dùng chữ nước ngoài, bệnh nói và viết dài dòng văn tự kiểu dây muống, lụp chụp, cẩu thả, không ai hiểu được.
Sau này trong các buổi gặp gỡ nói chuyện với văn nghệ sĩ, nhà báo, Người cũng không quên nhắc nhở những người cầm bút, sử dụng ngôn ngữ trong công tác chuyên môn đặc thù phải biết gương mẫu trân trọng tài sản vô giá của dân tộc là ngôn ngữ. “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Theo Người, nếu cần có thể tiếp thu tiếng và cách diễn đạt của nước ngoài, những phải Việt hóa nó đi và phải chống thói sùng bái tiếng nước ngoài “Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao”. (“Bài Nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam”, 1962 - Hồ Chí Minh - Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb. Sự thật, 1970, tr.59-60).
Theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng cũng luôn luôn đề cao việc sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc trên tinh thần tự tôn dân tộc, nhận chân kho báu tiếng nói dân tộc - một di sản văn hóa dân tộc vô giá.
Đồng chí Trường Chinh từ năm 1947 đã đặt ra “Mười tám điều tự răn trong khi viết văn” theo 3 phương châm dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa; chẳng hạn: “Không dùng một chữ nước ngoài; không viết một câu theo cách đặt câu của nước ngoài, nếu không cần thiết; không viết một câu sai ngữ pháp Việt Nam; không được vì đại chúng hóa mà viết một cách thô tục, khiếm nhã”. Một năm sau, năm 1948, đồng chí viết một bài trên báo Sự thật kêu gọi: “Chúng ta phải cố gắng dân tộc hóa lời nói và câu văn của chúng ta đi, nhưng Việt hóa cho đúng cách… Phải kiên quyết bảo vệ tiếng mẹ đẻ, giữ cho lời văn, tiếng nói của ta trong sáng, noi theo gương của Hồ Chủ tịch”.
Đồng chí Phạm Văn Đồng trong cao trào chống Mỹ cứu nước và trong nhiều buổi nói chuyện với văn nghệ sĩ trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đã góp phần quan trọng vào chủ trương chính sách của Nhà nước về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trong nhà trường và trong đời sống xã hội. Trong buổi họp mặt về vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (2/1966) đồng chí phát biểu nhấn mạnh: “Tiếng ta giàu và đẹp, nó sẽ giàu và đẹp hơn nữa nếu chúng ta biết giữ gìn nó, dùng nó và phát triển nó… Tất cả vấn đề là làm sao đảm bảo sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu, nhưng vẫn giữ được phong cách, bản sắc, tinh hoa của nó. Như vậy tức là giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta”.
Đồng chí đề cao trách nhiệm của toàn xã hội, của các nhà văn, nhà báo, nhà giáo trong việc này, đề nghị giới cầm bút và nhà giáo phải xem đó là bổn phận, làm việc với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, có ý thức cao, quyết không được nêu những tấm gương không tốt. Ở nhà trường, các nhà giáo phải làm sao cho học sinh dần dần có ý thức, có trình độ rồi đi đến có thói quen viết và nói đúng tiếng Việt, bởi tiếng Việt là “một vốn quý của dân tộc Việt Nam ta, một công cụ rất có hiệu lực trong cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa”.
Xem vậy ta thấy rõ từ Đề cương về văn hóa Việt Nam, qua các ý kiến và sự quan tâm thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng, qua chủ trương của Nhà nước về vấn đề “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” như một quốc sách, thì việc giữ gìn và phát triển tiếng nói và chữ viết của dân tộc đã là một trong những yếu tính cốt tử của bản sắc dân tộc, đặc thù văn hóa dân tộc.
Song nhìn vào thực tế đời sống hiện nay, dường như trong bối cảnh đổi mới và cơ chế thị trường chi phối, chúng ta đã dành sự ưu tiên quan tâm đến phát triển kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng, thể thao v.v... của đất nước, đó là cần thiết; nhưng từ đó dường như chúng ta đã có phần chưa chú ý đúng mức, xem nhẹ việc giữ gìn và phát triển vốn quý báu của dân tộc và văn hóa dân tộc là ngôn ngữ tiếng Việt - tài sản quý chung của toàn dân tộc.
Đã có nhiều biểu hiện và dấu hiệu chứng tỏ bệnh sùng bái tiếng nước ngoài, bệnh lai căng, mất gốc, vồ vập với một số tiếng nước ngoài đang là trào lưu, “mốt” sử dụng trên trường quốc tế, từ đó có phần đánh mất niềm tự tôn dân tộc trong sử dụng tiếng dân tộc, trong ý thức bảo vệ và phát huy cái đẹp, làm giàu khả năng diễn đạt của tiếng Việt trong đời sống xã hội, trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Một số căn bệnh cũ như viết ẩu, nói ẩu, viết tắt đến mức không ai hiểu được, như đánh đố người ta; lạm dụng tiếng nước ngoài trong giao tiếp và thương mại, chăm chút cho con cháu còn nhỏ xem trọng học tiếng nước ngoài hơn học tiếng Việt; viết và nói lệch chuẩn chính tả, ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm… lại có dịp tái phát, nhất là trong giới trẻ, không loại trừ trong cả học đường.
Đã đến lúc, nhân kỷ niệm 70 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng ta không thể chậm trễ trong việc tuyên chiến, báo động về việc đang có nguy cơ làm hỏng tiếng Việt. Như Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cách đây gần 50 năm, ngày nay Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần phải có quốc sách ban hành kịp thời để ngăn chặn khuynh hướng vồ vập, vọng ngoại vô lối đối với tiếng nước ngoài, theo đuôi cách nghĩ, cách nói của nước ngoài trong khi tiếng ta cũng có cách diễn đạt tương tự không kém. Hãy giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu và đẹp của chúng ta. Hãy làm cho tiếng Việt trong sáng, giàu và đẹp hơn nữa, luôn dồi dào sức sống, trường tồn cùng lịch sử dân tộc, như một dấu ấn độc đáo để nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.