• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để đề án Sữa học đường khả thi, cần sự nghiêm túc và tin tưởng

Thời sự 26/09/2018 08:35

(Tổ Quốc) - Trước những nghi ngại của phụ huynh học sinh về đề án sữa học đường đang lấy ý kiến triển khai từ năm học này, Sở GDĐT Hà Nội đã thông tin trong phiên họp giao ban Thành ủy Hà Nội chiều ngày 25/9.

Đề án "Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2018-2020" được UBND TP.HN phê duyệt để triển khai từ năm 2018 đến hết năm 2020.

Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2020 có 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng; Trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn Thành phố được uống sữa theo Đề án; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%; tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi và vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu hợc thêm 30%; góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học xuống dưới 5,5%; góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%; góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 - 2cm so với năm 2010.

Ảnh minh họa: Báo Đồng Nai

Theo chương trình Sữa học đường, về định mức thụ hưởng, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml có giá 6.800 đồng, không tăng giá từ năm 2018 đến hết năm 2020. Sữa dùng trong chương trình là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường, bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Theo đề án, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%. Đặc biệt, đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia.

Thế nhưng sau khi triển khai chương trình lấy ý kiến và đăng ký của phụ huynh học sinh trên địa bàn Thành phố đã có nhiều ý kiến lo ngại con em học sinh sẽ phải uống sữa cận date, sữa kém chất lượng… thậm chí cũng đã có phụ huynh cho rằng mình bị “ép” tham gia chương trình dù đây là chương trình tự nguyện.

Vì vậy, tại buổi họp giao ban Thành ủy Hà Nội chiều ngày 25/9, Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Xuân Tiến đã nhắc lại những thông tin về chương trình và cho biết, Sở đã quán triệt, phổ biến đến 100% hiệu trưởng, học sinh mầm non, tiểu học, phụ huynh học sinh trên địa bàn toàn Thành phố và đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, các phụ huynh có thể không đăng ký cho con tham gia chương trình hoặc có thể ngưng khi không muốn tham gia tiếp.

Ông Phạm Xuân Tiến cho biết khi triển khai chương trình Sữa học đường công tác quán triệt có "tam sao thất bản" và có hiểu nhầm rằng chương trình thực hiện bắt buộc, trong khi chương trình không bắt buộc, hoàn toàn là tự nguyện nên phụ huynh học sinh có thể đăng ký nếu có nhu cầu.

Trước những nghi ngờ về chất lượng sữa, ông Tiến cho biết, phải là hãng sữa lớn mới đảm nhiệm được chất lượng sữa bởi trung bình có hơn 1 triệu hộp sữa tiêu thụ hàng ngày, chỉ cần một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa xảy ra vấn đề thì hãng sữa có thể ảnh hưởng rất lớn. Đề án hiện đang tổ chức đấu thầu theo quy định để tìm hãng cung cấp sữa cho chương trình Sữa học đường, có 7 đơn vị tham gia đấu thầu và bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra, ngày đóng thầu sẽ là ngày 01/10 tới.

Còn về tiêu chuẩn sữa, ngành giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia và Viện Dinh dưỡng quyết định sẽ có thành phần nào, sữa này khác cơ bản so với các loại sữa đang bán ngoài thị trường bởi trong đó, bổ sung nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng chiều cao. Còn Sở Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở GDĐT quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống, ông Tiến khẳng định tại cuộc họp.

Minh Vy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ