• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để du lịch làng nghề Thủ đô phát triển bền vững

Văn hoá 19/11/2022 19:06

(Tổ Quốc) - Chiều 18/11, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Kinh nghiệm thiết kế sản phẩm làng nghề Hà Nội". Dự tọa đàm có hơn 100 đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, xúc tiến đầu tư - thương mại, chuyên gia, các trường đại học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...

Du lịch làng nghề có tiềm lực và tiềm năng lớn

Từ ngàn xưa, Hà Nội là vùng đất “Tụ khí anh hoa”, “Địa linh nhân kiệt” nay lại trở thành “đất trăm nghề”, với những địa danh và con người đi vào lịch sử nên việc phát triển làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên cơ sở của một miền đất được thiên nhiên ban tặng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đã trở thành huyền thoại với nhiều địa điểm cho du lịch để Hà Nội trở nên hấp dẫn và là điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước.

Để du lịch làng nghề Thủ đô phát triển bền vững - Ảnh 1.

Tọa đàm "Kinh nghiệm thiết kế sản phẩm làng nghề Hà Nội"

Hiện nay, Hà Nội có hơn 300 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Riêng làng nghề gốm sứ Bát Tràng có số lượng nghệ nhân đông nhất cả nước với 75 nghệ nhân. Các làng nghề Hà Nội cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, hội tụ đủ các nhóm nghề gồm: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh…

Theo thống kê tính đến năm 2019, tổng doanh thu của 308 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc- may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng ...

Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Hà Nội cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Hà Nội là thị trường giao lưu làng nghề trong nước và quốc tế có thể nói là lớn nhất bởi vì Hà Nội từ khi xưa là Thăng Long cho đến ngày nay vẫn là Thủ đô của cả nước. Hà Nội có tiềm năng lớn về nghề thủ công của các làng nghề truyền thống.

Không chỉ có thế mạnh về sản phẩm thủ công, các làng nghề Hà Nội còn mang trong mình bề dày lịch sử, văn hóa. Ở các làng nghề Hà Nội còn hội tụ các lễ hội đặc sắc, cảnh quan sinh thái tươi đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Hà Nội là nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.

Để du lịch làng nghề Thủ đô phát triển bền vững - Ảnh 2.

Bài toán phát triển du lịch làng nghề bền vững

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt chia sẻ, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của cha ông như là “kế sinh nhai” vững bền; tác tạo ra những sản phẩm gốm sứ vô cùng tinh xảo, đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu đời sống của các tầng lớp nhân dân trong nước và xuất khẩu; đã và đang là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.

Tuy nhiên, công tác quản lý làng nghề còn có nhiều chồng chéo, lãnh đạo một số địa phương chưa có sự quan tâm sâu sát để có định hướng, quy hoạch chung. Bởi vậy, các làng nghề vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm nguồn ra. Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nhiều bất cập, đặc biệt là về giao thông, vấn đề đảm bảo môi trường bền vững. Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn kém do thiếu vốn và các hộ ở xen trong các khu dân cư, quy mô sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Chất lượng sản phẩm làng nghề chưa cao. Sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu tính hấp dẫn.

Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng: Chuyển đổi số mang đến những trải nghiệm khác biệt và rất thú vị trong mua sắm; Đồng thời, giảm những tác động tiêu cực. Vì vậy, ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch làng nghề.

Để du lịch làng nghề Thủ đô phát triển bền vững - Ảnh 3.

Làng nghề Bát Tràng

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, Thủ đô Hà Nội từ lâu được biết đến là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt Nam. Đặc biệt sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế của làng nghề nói chung cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói riêng, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực – kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.

“Qua buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022 này, với sự chia sẻ từ các chuyên gia, phần nào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề… đã hình dung được những lợi thế, tiềm năng nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức trong việc phát triển sản phẩm làng nghề Việt thúc đẩy du lịch Thủ đô, từ đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đưa những giá trị tiêu biểu về nghệ thuật tại các làng nghề đến với người dân, đặc biệt là khách du lịch trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ