(Tổ Quốc) - Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bằng tàu biển đến năm 2020 trên thế giới có xu thế chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi theo tuyến châu Âu - châu Mỹ - Địa Trung Hải, đã bắt đầu khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khách du lịch tàu biển cập cảng Hạ Long
Thực trạng
Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, với những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt… Việt Nam lại nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trên tuyến đường giao thông hàng hải thuận lợi Bắc- Nam, là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu trên thế giới khi đến với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thể nằm gần với các trung tâm cảng biển du lịch hiện đại trên thế giới như Hongkong, Singapore, Thượng Hải… nên dễ tham gia vào các tuyến hành trình ngắn ngày và dài ngày giữa các điểm đến trong khu vực châu Á với các khu vực khác.
Mặc dù có tiềm năng rất lớn để phát triển nhưng du lịch tàu biển của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa có được sự tăng trưởng cao, lượng khách du lịch tàu biển chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 300.000 lượt khách/năm với gần 50 chuyến tàu cập cảng) khoảng 2 - 3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam; tỷ lệ tăng trưởng rất thấp so với tốc độ tăng trưởng của khách quốc tế đến bằng đường không và đường bộ, thậm chí một số năm còn sụt giảm.
Theo Vụ trưởng Lữ hành - Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương, nguyên nhân chính là do hệ thống cảng biển và hạ tầng cảng biển Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thiếu các cảng đón khách chuyên dụng, hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ, nhiều cảng đón khách phải sử dụng chung với cảng hàng hóa, dẫn tới một số tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng, làm ảnh hưởng uy tín điểm đến. Việc khách bị chào đón chung với hàng hóa, bị tăng-bo vào bờ bằng tender (tàu trung chuyển) cũng tạo tâm lý không thoải mái, thiếu thiện cảm với du khách.
Du lịch tàu biển Việt Nam từng không ít lần ngậm ngùi trước cảnh khách đến nhà mà không thể đón. Ðơn cử, tháng 4/2018, tàu Ovation of the Seas mang theo 4.000 du khách và 1.600 thủy thủ đoàn cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhưng đành lênh đênh trên biển vì tàu hàng đã lấp đầy cảng. Hay tháng 9/2018, 2.800 khách trên một tàu du lịch cũng đã phải hủy kế hoạch đến TP Hồ Chí Minh do không có chỗ neo đậu…
Giải pháp
Từ thực trạng trên có thế thấy, nút thắt của du lịch tàu biển Việt Nam hiện nay chính là câu chuyện giữa "thuyền và bến" mà theo như ông Nguyễn Quý Phương thì "thuyền" chúng ta không phải đầu tư, vì các thuyền quốc tế sẽ đến, nhưng muốn thu hút được thuyền thì cần phải đầu tư xây dựng "bến". Ngoài việc đầu tư xây dựng "bến" ra thì cần phải chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch, tour du lịch hấp dẫn, đáp ứng các nhu cầu cũng như đặc điểm của khách du lịch tàu biển. Làm sao để thu hút ngày càng nhiều khách lên bờ, vui chơi, giải trí…gia tăng các giá trị nhờ kéo dài thời gian lưu trú trên bờ và khả năng chi tiêu của du khách.
Trước thực trạng tàu du lịch quốc tế phải dùng chung cảng hàng hóa, du khách phải trung chuyển từ xa để vào cảng… Điều này không chỉ trở thành điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của du lịch tàu biển Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của điểm đến du lịch. Chính vì thế, việc cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sun Group đầu tư chính thức đi vào hoạt động (cuối tháng 12/2018) được cho là một tín hiệu vui đối với du lịch tàu biển Việt Nam. Bởi đây là lần đầu tiên chúng ta có một cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt được thiết kế đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cùng lúc đón hai tàu du lịch
Càng tàu khách du lịch quốc tế nhìn từ trên cao
Sự tiên phong trong việc huy động nguồn lực đầu tư vào hạ tầng cảng biển của Quảng Ninh khiến các địa phương ven biển không khỏi trăn trở. Theo ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), các địa phương có ven biển cần quảng bá, khuyến khích và có các hình thức ưu đãi với doanh nghiệp để đầu tư các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế. Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng cho rằng, thông qua kêu gọi nhà đầu tư, các thành phần kinh tế cùng tham gia mới có thể tăng số lượng cảng chuyên dụng cho du lịch tàu biển trong thời gian gần.
Tính đến hết tháng 3/2019, cảng tàu khách du lịch Quốc tế Hạ Long đã đón 35 chuyến tàu quốc tế cập cảng, với tổng số 52.318 hành khách. Trong đó, tháng 12/2018 cảng đón 2 tàu Celebrity Millennium và World Dream mang theo 5.793 khách và ngày 18/3 vừa qua, 2 tàu Norwegian Jewel và Mein Schiff3 với 4.810 khách đã cập cảng. Đây là những tàu 5 sao quốc tế phục vụ khách hàng cao cấp.
Về vấn đề này, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch tàu biển là giải pháp hết sức quan trọng. Vì thế cần "khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng các cảng đón khách hiện đại, đồng bộ như cảng của Sun Group, tăng cường hợp tác công tư, chứ cứ chờ đợi ngân sách nhà nước thì rất khó".
Du lịch tàu biển là loại hình dịch vụ cao cấp, đối tượng khách chủ yếu là tầng lớp trung lưu, có khả năng chi trả cao. Những năm gần đây, du lịch tàu biển trên thế giới luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, hoạt động du lịch tàu biển thế giới hiện đang chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á, ở cả hai góc độ là điểm đến nhận khách và thị trường gửi khách có tốc độ tăng trưởng cao. Chính vì thế, ngành du lịch Việt Nam cần phải chủ động đón bắt thời cơ để phát triển nhanh, khẳng định vị thế của du lịch tàu biển của Việt Nam và góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch tàu biển trong khu vực./.