• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch 09/08/2022 17:30

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Phiên chất vấn sẽ diễn ra ngày 10/8 trong chương trình Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, báo cáo cho biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều đến các chuyên ngành khác. Chính vì vậy, các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực du lịch cũng được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống văn bản khác nhau.

Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017. Quan điểm đầu tiên của Nghị quyết nêu rõ "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác".

Bộ VHTTDL nhận thức sâu sắc rằng, gần 20 năm sau Thông báo Kết luận số 179-TB/TW ngày 11/11/1998 về "Phát triển du lịch trong thời kỳ mới", việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đối với ngành du lịch.

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: Quốc hội)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, Bộ VHTTDL luôn xác định công tác nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Bám sát 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 08-NQ/TW đã chỉ ra, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch 2017; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch.

Thay đổi nhận thức từ "làm du lịch" sang "quản lý nhà nước về du lịch"

Về kết quả thực hiện, ngay sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW được ban hành, các ban, bộ, ngành, Bộ VHTTDL và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết bằng nhiều hình thức phù hợp như tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt cho đối tượng cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; ban hành các Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW đến toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động, các doanh nghiệp du lịch. Công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch nói riêng được Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao và các cơ quan chuyên môn của Bộ tổ chức hướng dẫn địa phương thực hiện ngay sau khi Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Thay đổi nhận thức từ "làm du lịch" sang "quản lý nhà nước về du lịch" thông qua các công cụ pháp luật, chiến lược, kế hoạch và hoạt động điều phối, hướng dẫn.

63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai ghị quyết số 08-NQ/TW. Nhiều địa phương có tiềm năng, lợi thế về tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên đã xác định phương hướng, mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Thuận, Điện Biên, Kon Tum, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang..

Đặc biệt, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước thường xuyên quán triệt nội dung xây dựng, phát triển văn hóa, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại các Hội nghị của Chính phủ, Quốc hội, tại các buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nắm vững 08 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Nghị quyết 08- NQ/TW đã chỉ ra.

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Sự kiện đón du khách thứ 15 triệu tại Quảng Ninh năm 2018. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Về cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, qua rà soát, thống kê, lĩnh vực Du lịch hiện nay đang được điều chỉnh trực tiếp bởi 1 Luật (Luật Du lịch 2017), 5 Nghị định, 9 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 10 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Nhìn chung, hệ thống pháp luật về du lịch đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch, đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Ngoài ra, ngành du lịch cũng đạt được những kết quả nhất định về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch và tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Không thể thành công trong "một sớm, một chiều"

Báo cáo nhận định, việc phục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu Covid không thể thành công trong "một sớm, một chiều"; phải "tư duy mới, hành động mới", cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.

Du lịch phải đứng trên hai chân "Nội địa" và "Quốc tế". Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi thì du lịch nội địa tiếp tục là chìa khóa giúp ngành du lịch Việt Nam tạo đà và phát triển (ngay trước khi có COVID-19 thì du lịch nội địa cũng đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế).

Sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đây là cơ hội để phát triển du lịch bền vững mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường. Bên cạnh đó, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành du lịch.

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 3.

Cầu Vàng - Đà Nẵng đón du khách trở lại sau đại dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch, trong đó Bộ sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nền tảng để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật, sửa đổi Luật Du lịch 2017 nếu cần thiết, tạo khung khổ cho du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Song song với đó Bộ VHTTDL cũng hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2022, trong đó phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, định hướng các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia; làm cơ sở cho các địa phương triển khai lập Quy hoạch các khu du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh/thành phố.

Bộ VHTTDL cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp phục hồi, phát triển du lịch; Phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch, phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để hỗ trợ các địa phương phục hồi, phát triển du lịch đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tiếp tục đồng hành, phát huy sức mạnh của toàn dân và doanh nghiệp, vai trò của hiệp hội du lịch, tổ chức các diễn đàn, cuộc trao đổi để doanh nghiệp có cách nhìn đúng, đồng hành cùng Chính phủ, Bộ VHTTDL, các địa phương nỗ lực xây dựng, phục hồi và phát triển du lịch.

Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tào nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế./.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ