• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề nghị các thiết bị tivi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn ứng dụng về báo chí, truyền hình

Văn hoá 22/12/2023 14:59

(Tổ Quốc) - Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, hiện nay, chúng ta đang chứng kiến thực trạng gọi là "xâm lăng văn hóa", vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển tivi, xem Youtube, các kênh nước ngoài dễ hơn Truyền hình Việt Nam. Để lập lại trật tự và cân bằng ở lĩnh vực này, từ năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tất cả các thiết bị tivi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình.

Sáng 22/12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã lý giải những kiến nghị của các đại biểu nêu ra liên quan đến công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách.

"Xâm lăng văn hóa" đang vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình

Nêu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cần có những công cụ đo đếm thống nhất bằng cả phương pháp về kinh tế và công nghệ để thực sự đo đếm và quan sát đầy đủ lĩnh vực này. Hiện nay, bên cạnh lực lượng chính thống chúng ta quan sát và quản lý được thì có một lực lượng sáng tạo nội dung trên mạng mang về doanh thu lớn.

"Chúng ta chỉ cần nhìn vào số thu thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thông báo năm nay riêng các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được 8.000 tỷ; có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có những doanh nghiệp tương ứng 5%. Như vậy chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đề nghị tất cả các nền tảng ti vi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu ý kiến tại Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề xuất, trong chuyển đổi số phải dùng cả công nghệ và các phương pháp khác để quan sát được đầy đủ lĩnh vực này, có bộ đo chính thức, chính xác, đầy đủ và không nhầm.

Bên cạnh đó, cần sớm có phương thức và mô hình phát triển. Đồng thời, cần sớm xây dựng và áp dụng thể chế sandbox trong đổi mới sáng tạo của văn hóa. Trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng có đủ nguồn lực để trang trải.

Hiện nay, việc Nhà nước tham gia thị trường và mua dịch vụ công trong rất nhiều lĩnh vực có vướng về thể chế xác định giá, về kinh tế kỹ thuật, quy trình thẩm định rất phức tạp. Năm nay cũng là năm sửa đổi các thể chế để thực hiện Luật Giá sửa đổi và thực hiện các cơ chế khác để giải phóng các đơn vị sự nghiệp công trong đó có các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, cần đề xuất cải cách thể chế này để Nhà nước có thể tham gia thị trường.

Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay, chúng ta đang chứng kiến thực trạng gọi là "xâm lăng văn hóa", vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển tivi, xem Youtube, các kênh nước ngoài dễ hơn Truyền hình Việt Nam. Để lập lại trật tự và cân bằng ở lĩnh vực này, từ năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tất cả các thiết bị tivi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình.

Tới đây nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ VHTTDL sẽ phối hợp đề xuất có quyết định của Thủ tướng bắt buộc cài sẵn ứng dụng nền tảng OTT lên các sản phẩm thiết bị thông minh. Bộ Công Thương cũng cần tham gia ở lĩnh vực này.

Bộ cũng sẽ sớm đề xuất một số thể chế, đặc biệt trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Báo chí lần này cần đưa chính sách xuất khẩu các sản phẩm văn hóa thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình trên không gian số.

Lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan bày tỏ, khi nói về công nghiệp văn hóa ông muôn chia sẻ một vài câu chuyện về Hàn Quốc. Đảo Nami là trường quay "Bản tình ca mùa đông" đã là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch. Bên cạnh đó là ảnh hướng tới xu hướng thời trang. Như vậy, lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn.

Đề nghị tất cả các nền tảng ti vi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

"Phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt. Đó cũng là không gian phát triển cho các nhà làm văn hoá. Phim trường "Dae Chang Kum" tạo ra một quần thể du lịch để thu hút khách du lịch. Một phim trường của bộ phim về thần y tạo ra nghề bán thuốc cho làng" - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta có thể nhìn văn hóa ở khía cạnh bán hàng. Gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hoá.

Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí. Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc.

Tại Bắc Giang vừa qua, có sự kiện văn hóa – thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả. Sự sáng tạo trong văn hoá, nông nghiệp – nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung.

"Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó tiềm lực quan trọng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, nếu nhìn rộng ra, công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần khai phá ra những không gian phát triển mới.

Không có việc thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa

Liên quan đến chính sách cho phát triển công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ nhận được 3 ý kiến phát biểu của các đại biểu kiến nghị về chính sách thuế, thuế GTGT, thuế TNDN, liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sáng tạo nội dung số cũng như không gian sáng tạo.

Đề nghị tất cả các nền tảng ti vi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nếu ý kiến tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng, hiện nay các chính sách về thuế GTGT, thuế TNDN cũng như các chính sách khác, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Với những kiến nghị vượt quá những chính sách, quy định hiện hành, ông Nguyễn Đức Chi khẳng định, Bộ Tài chính ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp lại trong các chương trình, kế hoạch sửa các quy định pháp luật thuế liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa như kiến nghị của các đại biểu.

"Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Về kiến nghị thuế chồng thuế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, hiện nay chính sách thuế không có việc thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa, chỉ có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể và có thể có những sự chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau.

"Điều này chúng tôi ghi nhận, sẽ có tổng hợp, đánh giá, kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho hoạt động này" - Thứ trưởng khẳng định.

Sẽ xây dựng hệ thống thống kê đánh giá sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa

Cũng tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 2 nhóm giải pháp là huy động nguồn lực và đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở Việt Nam hiện nay, chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa có 12 ngành và từng ngành cũng có cách tiếp cận, thu hút nguồn lực khác nhau, phương thức khác nhau và có thể có định hướng phát triển riêng. Có những ngành hiện nay đã huy động được nguồn vốn khu vực tư nhân, xã hội hóa lớn, nhưng một số ngành, lĩnh vực lại cần có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước như phát thanh truyền hình.

Đối với huy động nguồn lực, lĩnh vực văn hóa là một trong những ngành được xã hội hoá, và theo như ưu đãi hiện nay được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án. Tiền thuê đất cũng được miễn ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.

Đề nghị tất cả các nền tảng ti vi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu ý kiến tại Hội nghị

"Tôi rất chia sẻ ý kiến của đại biểu về những doanh nghiệp văn hóa quy mô nhỏ, làm sao cạnh tranh được khi thuê địa điểm ở những trung tâm thương mại. Nhà nước có những chính sách gì? Đây là quan hệ dân sự giữa người thuê và cho thuê, chúng ta không thể can thiệp vào được, nhưng những doanh nghiệp như vậy cũng cần được hưởng các chính sách ưu đãi như trên. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để báo cáo và tham mưu cấp có thẩm quyền về vấn đề này" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, có một vấn đề nữa là chúng ta mới tìm ra được việc huy động nguồn lực vật chất, còn phần rất lớn là giá trị phi vật chất, phi vật thể chúng ta chưa làm được.

Về công tác thống kê, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thống kê đang thực hiện các cuộc điều tra, thống kê theo chương trình điều tra thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với ngành công nghiệp văn hoá, thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp: Thứ nhất, xây dựng chỉ tiêu hệ thống thống kê để đánh giá sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội. Thứ hai, xây dựng các cuộc điều tra thống kê để thu thập thông tin. Tiếp nữa là xây dựng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin cho các cơ quan. Cuối cùng là chỉ tiêu về văn hóa như Thủ tướng đã gợi mở./.

Thế Công - Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ