(Tổ Quốc) - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, quy định đưa việc thực hiện hiệu quả cam kết, lời hứa trong chất vấn, giám sát của HĐND là tiêu chí đánh giá cán bộ trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu.
Ngày 21/2, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.
Tái giám sát để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp
Trong bài tham luận có chủ đề "Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát, tái giám sát của HĐND các cấp", Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước với quy mô, khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp nảy sinh, đối với hoạt động giám sát - là một chức năng quan trọng trong hoạt động của HĐND các cấp.
Thường trực HĐND TP Hà Nội đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham khảo cách làm của một số tỉnh, thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng bản lĩnh, thẳng thắn, thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của Luật và tình hình thực tiễn của thành phố để giải quyết các vấn đề.
Năm 2022 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức 2 phiên chất vấn, 2 phiên giải trình, 41 cuộc giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu HĐND thành phố với những kết quả thiết thực. Ngoài ra, Thường trực HĐND TP.Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH thành phố tổ chức giám sát các nội dung, lĩnh vực theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Các nội dung giám sát được lựa chọn đều là những vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết, được dư luận và cử tri quan tâm như: Giám sát về công tác quy hoạch; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về quản lý, sử dụng tài sản công; các dự án chậm triển khai; xử lý nước thải, thoát nước và thu gom, xử lý rác thải; việc đầu tư các thiết chế văn hóa; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị không đồng bộ..."- ông Tuấn cho biết.
Từ những việc làm trên, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng, kết quả cho thấy nhiều nội dung, vấn đề đã tồn tại nhiều năm, thậm chí đã được giám sát nhưng chậm chuyển biến, được thẳng thắn chỉ ra và tái giám sát để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình cụ thể để khắc phục hiệu quả.
Có nhiều vấn đề lớn, quan trọng được chuyển hóa thành các nội dung chất vấn, giải trình và toàn bộ nội dung đều được phản ánh, cung cấp bằng phim tư liệu đảm bảo sinh động và chân xác nhất, đồng thời theo dõi, đôn đốc cho đến khi thực hiện xử lý dứt điểm vấn đề đặt ra.
Đưa việc thực hiện lời hứa trong chất vấn làm tiêu chí đánh giá trong lấy phiếu tín nhiệm
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, những nội dung quan trọng trong hoạt động giám sát được nghiên cứu, tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn hoạt động của HĐND TP.Hà Nội thời gian qua thể hiện ở hai nội dung.
Thứ nhất, hoạt động của HĐND các cấp, trong đó có hoạt động giám sát cần nghiên cứu, bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương và các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là vai trò, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Trong đó, HĐND TP Hà Nội xác định đầy đủ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chỉ tiêu, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp để HĐND các cấp Thành phố có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn, ví dụ như: Tăng cường số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng cường bố trí cấp ủy trong cơ cấu đại biểu chuyên trách. Hay quy định các chế tài trong thực hiện kết luận giám sát; xem xét chuyển các cơ quan chức năng xem xét, xử lý đối với các vi phạm nghiêm trọng.
Thứ hai là bám sát và thực hiện hiệu quả các quy định của Luật và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu rộng đến HĐND cấp trên địa bàn toàn thành phố với gần 12.000 đại biểu tại các điểm cầu sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp" - ông Tuấn dẫn ví dụ.
Kết quả cho thấy, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát, tái giám sát của HĐND các cấp đã ngày càng bài bản, thống nhất, lan tỏa và có những chuyển biến rõ nét, chuẩn hóa trong lựa chọn nội dung, vấn đề, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện.
Tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND thành phố, ngoài Chủ tịch UBND thành phố, các Phó Chủ tịch, thành viên UBND thành phố tham dự và trực tiếp trả lời chất vấn, giải trình, còn có Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham dự và trả lời về các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm, tạo sự liên thông, đầy đủ và xem xét vấn đề rõ ràng và triệt để hơn.
Tại phiên chất vấn, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chất vấn, điểm mới là nhiều nội dung trong đó có phụ lục các cam kết tiến độ, mốc thời gian hoàn thành giao UBND và phân công các Ban HĐND chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, giám sát đến khi ra kết quả cuối cùng.
Để tăng cường thêm năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động HĐND các cấp trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương quan tâm, chỉ đạo để thành phố Hà Nội sớm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua, trong đó quan tâm, nghiên cứu: tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND Hà Nội.
Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, quy định đưa việc thực hiện hiệu quả cam kết, lời hứa trong chất vấn, giám sát của HĐND là tiêu chí đánh giá cán bộ trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu./.