(Tổ Quốc) -Sáng 31/5, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi được Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại Quốc hội.
Đề nghị hạn chế thanh tra thường xuyên, đột xuất doanh nghiệp ngoài nhà nước
Về dự án này, đại diện Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đã trình bày thẩm tra dự án Luật PCTN.
Theo đó, về thanh tra, kiểm tra công tác PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước (Điều 100 và Điều 103 dự thảo Luật), hiện nay chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng, tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng Chính phủ kiến tạo, do đó, việc quy định mở rộng thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với doanh nghiệp cần hết sức hạn chế.
Bà Nga cũng nêu, trong các cuộc làm việc của Thủ tướng với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, hiện nay chỉ với các quy định hiện hành về thẩm quyền của cơ quan thanh tra thì hằng năm doanh nghiệp cũng đã bị thanh tra rất nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường trong sản xuất, kinh doanh.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Đối với các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng thì hiện nay pháp luật đã có các quy định rất chặt chẽ về công khai hoạt động, công bố thông tin, về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, phạm vi thanh tra công tác PCTN trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, tổ chức xã hội quy định tại dự thảo Luật khá rộng; hiện nay chúng ta còn chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra về PCTN trong khu vực nhà nước, trong khi nguồn lực của các cơ quan thanh tra còn hạn chế thì việc mở rộng thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước là khó khả thi, có thể ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra về PCTN trong khu vực nhà nước.
Từ những lý do trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần cân nhắc theo hướng: thu hẹp phạm vi thanh tra về công tác PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước, đồng thời quy định chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37 dự thảo Luật), dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo Luật hiện hành, thì mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.
Về vấn đề này, bà Nga cho hay, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, so với nhóm đối tượng giữ chức vụ từ Giám đốc sở trở lên hoặc những cán bộ, công chức, viên chức khác làm việc ở một số vị trí công tác trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ thì trước mắt, để phù hợp với thực tế và khả thi, nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn lại chỉ cần kiểm soát tài sản, thu nhập ở mức độ đơn giản hơn, với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ có biến động từ 300 triệu đồng trở lên trong 01 năm hoặc khi có tố cáo, có dấu hiệu về việc kê khai không trung thực.
Đồng thời, so với luật hiện hành thì phương thức kê khai đã có sự thay đổi theo hướng thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai hàng năm (chỉ bao gồm những người giữ các chức vụ cao hoặc làm việc ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao), qua đó nhằm bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường ý thức tuân thủ của người kê khai, bảo đảm tính khả thi và góp phần khắc phục được tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thời gian qua.
Được biết, Luật PCTN hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ Phó phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.
Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo Luật hiện hành, thì mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu./.
Song Đào