• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề nghị quy định riêng về lực lượng phòng cháy chữa cháy và lực lượng cứu hộ cứu nạn

Thời sự 14/05/2024 10:53

(Tổ Quốc) - Ông Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị quy định riêng về lực lượng PCCC và lực lượng CNCH. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bố trí lại tổ chức và hoạt động của lực lượng dân phòng cho phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo đồng bộ với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở và đảm bảo hiệu quả hoạt động PCCC và CNCH.

Đề nghị quy định riêng về lực lượng phòng cháy chữa cháy và lực lượng cứu hộ cứu nạn - Ảnh 1.

Quang cảnh Phiên họp

Nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch

Trong khuôn khổ nội dung Phiên họp thứ 33, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN cơ bản tán thành những chính sách về PCCC và CNCH quy định trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH; huấn luyện, diễn tập PCCC, CNCH; đảm bảo đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ PCCC, CNCH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền; bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong hoạt động PCCC & CNCH; huy động các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia PCCC, CNCH và xã hội hóa PCCC, CNCH.

Ủy ban QPAN cho rằng, quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với vị trí, vai trò của các chủ thể trong công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh;

Nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải ở mức nào thì phải có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát kỹ quy định về trách nhiệm, nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm và cơ quan Công an tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi, tạo đồng thuận giữa các bộ, ngành và các chủ thể trong phối hợp, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ khi Luật có hiệu lực thi hành.

Ủy ban QPAN cho rằng, các quy định về chữa cháy tại Chương III đã cơ bản đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động chữa cháy. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tại Điều 26 để làm rõ trách nhiệm thanh toán chi phí sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khi thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an và phục vụ công tác chữa cháy; làm rõ việc bố trí các trụ nước chữa cháy trên mạng lưới cấp nước tập trung hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hay tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cấp nước; bổ sung quy định cho phép người chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 28 được quyền "cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy".

Uỷ ban QPAN cho rằng, hoạt động CNCH tại Chương IV của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác CNCH.

Để làm rõ hơn các quy định này, bảo đảm tính khả thi, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động CNCH, thể hiện rõ phạm vi hoạt động CNCH trong Luật này; cân nhắc quy định về CNCH trong đám cháy vì việc CNCH khi có cháy là một biện pháp trong hoạt động chữa cháy, được thực hiện theo quy trình khác với các hoạt động CNCH khác.

Đề nghị quy định riêng về lực lượng PCCC và lực lượng CNCH

Ông Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị quy định riêng về lực lượng PCCC và lực lượng CNCH. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bố trí lại tổ chức và hoạt động của lực lượng dân phòng cho phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo đồng bộ với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở và đảm bảo hiệu quả hoạt động PCCC và CNCH.

Đề nghị quy định riêng về lực lượng phòng cháy chữa cháy và lực lượng cứu hộ cứu nạn - Ảnh 2.

Ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra

Có ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trong giai đoạn hiện nay cần nghiên cứu, phát triển hoạt động PCCC và CNCH tình nguyện trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới; đồng thời, nghiên cứu, quy định chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút được người dân tham gia.

Uỷ ban QPAN đề nghị nghiên cứu các ý kiến nêu trên để quy định rõ nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC và CNCH cơ sở, lực lượng PCCC và CNCH chuyên ngành cho phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của các lực lượng này và thống nhất với quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa được Quốc hội thông qua; có chính sách phù hợp để khuyến khích, phát triển PCCC tình nguyện.

Về đảm bảo điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Uỷ ban QPAN cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật, đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về chế độ, chính sách cho người tham gia chữa cháy và người tham gia CNCH; cân nhắc kỹ tính hợp lý của quy định hỗ trợ cho hoạt động PCCC và CNCH từ Quỹ phòng chống thiên tai; nghiên cứu, thể hiện rõ và đầy đủ hơn các nguồn đầu tư và cơ chế để huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho công tác PCCC và CNCH;

Xem xét tính khả thi của việc quy định giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm vụ chi bảo đảm cho PCCC và CNCH; làm rõ sự cần thiết và bổ sung quy định cụ thể về điều kiện đối với từng hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định; bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện PCCC và CNCH cũng như đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ trong PCCC, CNCH.

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, Uỷ ban QPAN cơ bản tán thành với nội dung quản lý nhà nước về PCCC, CNCH. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát và quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm tính khả thi; đánh giá hiệu quả, tính khả thi của quy định về trách nhiệm tổ chức kiểm tra về PCCC của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ