(Tổ Quốc) - Mới đây Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07- Bộ Công an) đã báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng dân phòng trên toàn quốc.
Theo đó, kết quả khảo sát cho rằng, lực lượng dân phòng là một trong những lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH tại địa bàn cơ sở và trong thực thi nhiệm vụ PCCC và CNCH tại chỗ, sẵn sàng tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời khi cháy, nổ sự cố, tai nạn mới xảy ra.
Tuy nhiên, do mô hình tổ chức, chế độ chính sách, đầu tư kinh phí hoạt động, phương tiện còn nhiều hạn chế, bất cập nên lực lượng này không phát huy được vai trò hiệu quả theo phương châm "Bốn tại chỗ".
Qua khảo sát tại nhiều địa phương, nhất là những nơi có thành lập Ban bảo vệ dân phố thì việc vừa giao nhiệm vụ bảo vệ dân phố vừa giao nhiệm vụ dân phòng để làm công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn cơ sở là khá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta. Qua đó, tập trung được nguồn lực đầu tư, chế độ chính sách, đầu tư các điều kiện bảo đảm cho công tác hoạt động như trụ sở, thông tin liên lạc, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ,…
Tại kết quả khảo sát này, C07 đã đề nghị giao C07 chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Bộ Công an đề xuất Chính phủ ban hành Đề án thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở (lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã) phù hợp với quy định của Luật PCCC và quy định khác của pháp luật có liên quan.
C07 cũng đề nghị cần nghiên cứu chính sách sử dụng chiến sĩ sau khi hoàn thành thực hiện nghĩa vụ Công an tại các địa phương (nếu cá nhân có nguyện vọng) làm nòng cốt cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã.
Đồng thời đề nghị sửa đổi các quy định về trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình từng khu vực, địa phương...
Theo thống kê cả nước có 10.782 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn; 180.799 đơn vị cấp thôn. Theo quy định thì tại địa bàn các thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (gọi tắt thôn) phải thành lập lực lượng dân phòng.
Như vậy, số đội dân phòng phải thành lập theo quy định của Luật PCCC ước tính là 180.799 đội dân phòng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ thành lập được 42.476 đội dân phòng với 543.095 đội viên, đạt tỷ lệ khoảng 23%. Trung bình mỗi đội có biên chế khoảng 12,8 đội viên.
Trong những năm qua, Cục C07 cho hay, lãnh đạo của nhiều đơn vị, địa phương đã quan tâm chỉ đạo và duy trì tốt hoạt động có hiệu quả của mạng lưới tuyên truyền viên trong công tác phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức PCCC, tổ chức tuần tra, thường trực sẵn sàng chữa cháy. Đã có nhiều phong trào đi vào hoạt động có hiệu quả như mô hình "Khu phố an toàn PCCC", "Cụm, tuyến dân cư an toàn PCCC", phong trào 3 có "Có aptomat, có đèn pin hay đèn sạc, có phương tiện chữa cháy", phong trào 3 biết "Biết xử lý các tình huống, biết các kiến thức PCCC, biết sử dụng bình chữa cháy", phong trào 3 không "Không sử dụng bình gas mini sang nạp lại, không sang chiết gas trái phép, không kinh doanh gas khi chưa có đảm bảo điều kiện an toàn PCCC", phong trào"Nhà tôi có bình chữa cháy",...
Đặc biệt là việc tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ với phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" trong công tác PCCC đã mang lại những kết quả đang khích lệ, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện an toàn PCCC như: nhân dân tự phá dỡ, giải tỏa tạo khoảng cách an toàn PCCC cho khu dân cư, đóng góp kinh phí mua sắm trang bị máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy,... thực hiện nguyên tắc "mọi hoạt động PCCC phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ".
Hàng năm, lực lượng dân phòng đã phát hiện và dập tắt kịp thời trên 50% số vụ cháy, nổ xảy ra ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng./.