(Toquoc)- Vì nhiều lý do, phải sau hơn hai mươi năm Hội Nhà văn Hà Nội mới tiến hành Hội nghị Những người Viết văn trẻ lần thứ 2. Vậy các nhà văn trẻ đương đại của Hà Nội đón nhận sự kiện này trong tâm thế ra sao là nội dung cuộc trò chuyện mà ba tác giả trẻ Nguyễn Quang Hưng, Phạm Thanh Thúy và Ngô Gia Thiên An dành cho Báo Điện tử Tổ quốc.
(Toquoc)- Vì nhiều lý do, phải sau hơn hai mươi năm Hội Nhà văn Hà Nội mới tiến hành Hội nghị Những người Viết văn trẻ lần thứ 2. Vậy các nhà văn trẻ đương đại của Hà Nội đón nhận sự kiện này trong tâm thế ra sao là nội dung cuộc trò chuyện mà ba tác giả trẻ Nguyễn Quang Hưng, Phạm Thanh Thúy và Ngô Gia Thiên An dành cho Báo Điện tử Tổ quốc.
Ba tác giả trẻ từ trái sang phải: Nguyễn Quang Hưng, Phạm Thanh Thúy và Ngô Gia Thiên An
PV: Là một tác giả trẻ, bạn thấy Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội có ý nghĩa như thế nào với bản thân mình?
Nguyễn Quang Hưng: Một chút riêng tư, cá nhân thì đây cũng là ngày những bạn bè văn chương trên địa bàn Hà Nội gặp nhau, “rủ nhau” đi hội nghị và phần nào cũng có một không khí văn nghệ khác hơn, trang trọng và lịch sự hơn so với những gặp gỡ thông thường.
Rộng hơn thì cuộc gặp gỡ này như một niềm vui khi thấy thành phố và hội nghề nghiệp thể hiện sự quan tâm, hành động săn sóc bước đầu với những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả trẻ hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi mong trong hội nghị, các đại biểu sẽ gợi ý, đề xuất với hội và thành phố về những khả năng phối hợp giữa hai phía, những người viết có thể làm gì cho Hà Nội bằng ngòi bút của mình, và hội với thành phố, có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tác giả như thế nào. Cũng mong Hội nhà văn Hà Nội, Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội và thành phố, sẽ lắng nghe, đón nhận, và nghĩ đến những việc làm khả thi.
Thời gian qua tôi đã viết nhiều bài báo hướng về hội nghị với nhiều gợi ý của mình như năng tổ chức thực tế, trải nghiệm cho người trẻ; phát động thi, vận động sáng tác về Hà Nội để khích lệ họ; cổ vũ và đầu tư in ấn, phát hành cho những tác phẩm hay về Hà Nội; tổ chức thêm các hoạt động văn chương cho người trẻ như Ngày thơ, tọa đàm, ra mắt sách… Tôi góp ý rất chân thành và hăng hái nữa, hy vọng thành phố và hội sẽ đọc được. Cũng rất mong tới đây, hội nghề nghiệp sẽ trở thành cầu nối tốt giữa những người viết trẻ với thành phố.
Phạm Thanh Thúy: Tôi có bốn năm học ở Hà Nội, trong môi trường văn chương, hiện giờ tôi cũng làm việc trong một môi trường đầy va chạm với văn chương, nên với tôi, các hội nghị văn chương về cơ bản không có gì lạ, có sức hút hay ý nghĩa đặc biệt. Nhưng được đi hội nghị tôi rất vui, vì đây cũng là một sự kiện văn chương tương đối ấn tượng trong năm 2015 này, và khi tôi còn… trong độ tuổi được tham dự.
Ngô Gia Thiên An: Đầu tiên tôi nghĩ đây có lẽ là một cơ hội để tôi... trốn học (cười). Nhưng thật ra, thật là vui khi được gặp các bạn văn, nhất là được gặp các cô chú bác, anh chị mà bấy lâu tôi mới chỉ được nghe tiếng.
PV: Mảnh đất thủ đô có phải là không gian trong các sáng tác của bạn không? Cho đến nay có khoảng bao nhiêu phần trăm sáng tác của bạn lấy bối cảnh của Hà Nội? Bạn có nghĩ mình sẽ đặt bút ở nhiều không gian khác nữa không?
Nguyễn Quang Hưng: Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, vì thế hình ảnh, không gian, con người, truyền thống… nơi này, vốn đã ngấm vào suy nghĩ, tình cảm và từ đó lan tỏa vào sáng tác. Tôi không nghĩ phải viết trực tiếp, đi thẳng vào các đề tài trong phạm vi không gian địa lý, văn hóa của Hà Nội mới là viết về Hà Nội, mà sự thanh thoát, lịch thiệp từ nơi này có thể ẩn vào những ngẫm ngợi, suy tư về những vùng đất khác. Tuy nhiên lưu tâm hơn đến sự cuốn hút của những câu chuyện, những cuộc đời, những phố, những đường, những làng Hà Nội vẫn luôn là đều rất cần thiết. Giữa hai suy nghĩ trên, ngẫm ra bao nhiêu phần trăm sáng tác lấy bối cảnh Hà Nội thật khó có thể rõ ràng.
Còn về sự thay đổi, thì tôi nghĩ bản thân mình đã có hướng mở để đưa sáng tác đến với những miền không gian khác. Cũng như không cần phải thay đổi hoàn toàn mà tự những nơi mới mẻ, khác lạ đó cũng thôi thúc mình phải trải nghiệm, phải lắng nghe chúng thì mới có thể viết ra một suy nghĩ, một thu nhận nào đó.
Phạm Thanh Thúy: Rất ít khi tôi lấy bối cảnh thủ đô Hà Nội, và thường chỉ thoảng qua. Mảng đề tài đô thị tôi viết phần lớn là một vài thành phố nào đó, những nơi tôi từng đến, hoặc… tưởng tượng. Thời nay, để tả thực một thành phố, một miền đất hoàn toàn xa lạ tương đối dễ, chỉ cần chịu khó đọc những trang web chuyên về du lịch, phần còn lại chỉ là trí tưởng tượng của bạn đến đâu thôi. Tôi đã viết về biển trước khi tôi thực sự đến bên một bờ biển. Tương tự, tôi đã lấy bối cảnh Hà Nội trong những truyện ngắn đầu tay trước khi tôi sống trong lòng thành phố ấy.
Ngô Gia Thiên An: Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi nghĩ văn phong của mình cũng có không khí cuộc sống của một Hà Nội trẻ. Tôi đôi khi cũng muốn thay đổi không gian sáng tác, nhưng kể cả khi tôi cố viết truyện viễn tưởng thì bối cảnh cũng lại quay trở về với Hà Nội.
PV: Theo bạn, điều gì là nổi bật nhất ở những người viết trẻ cùng trang lứa với bạn hiện nay?
Nguyễn Quang Hưng: Tôi không thể quen, biết hết tất cả hay có điều kiện đọc được nhiều đồng nghiệp trẻ, nhưng với những người viết là bạn bè, tôi thấy mọi người hăng hái và có tâm huyết, điều đó thể hiện cả ở sự vui vẻ bên ngoài lẫn nung nấu bên trong. Bên cạnh đó, đáng quý là nhiều người chịu khó làm việc, có ý thức làm mới và đang tự sinh ra mình nhiều hơn.
Phạm Thanh Thúy: Họ hiện đại, thức thời, biết tận dụng quyền lực của công nghệ và truyền thông để quảng bá các sáng tác của mình thông qua mạng xã hội. Và nhất là đối với những người trẻ hơn tôi chừng 15 tuổi, tôi thấy khi bằng tuổi họ, tôi không nghĩ được như họ, không viết được như họ, không sống được như họ. Còn những người cùng trang lứa… gần 40 như tôi, nếu ví như một một mầm cây, tôi thấy họ đã qua giai đoạn hối hả trưởng thành và bắt đầu tỏa bóng…
Ngô Gia Thiên An: Mỗi bạn đều là một cá tính riêng, tôi nghĩ vậy. Thật khó để chỉ ra điểm chung ở các bạn.
PV: Bạn thấy các tác giả trẻ Hà Nội có điểm gì khác so với các tác giả trẻ ở các thành phố khác?
Nguyễn Quang Hưng: Để so sánh với nhiều nơi khác và thấy được sự khác thì quả là xấu hổ vì tôi cũng ít có dịp giao lưu với các đồng nghiệp ở những nơi khác lắm, nên khó lòng điểm ra được. Chưa kể, các cây bút trẻ Hà Nội hiện nay phần nhiều cũng đến, định cư và làm việc ở đây từ nhiều vùng đất khác nhau, mọi người mang theo những cái giống và khác rất đa dạng. Chỉ có về mặt điều kiện, xúc tác thì do tập hợp về nơi vốn đã tụ họp tinh hoa văn hóa, văn chương, lại thêm những nhu cầu khẳng định mình trong số đông tài năng, tài hoa, trong cuộc cạnh tranh sáng tạo phổ biến, nên với nhiều người viết trẻ ở Hà Nội, tôi thấy họ nỗ lực về nhiều mặt.
Phạm Thanh Thúy: Thực ra, những tác giả trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhất là Thủ đô văn hiến rất, rất ít. Những người trẻ viết đang sống tại nơi này phần lớn là người nhập cư, như tôi là ví dụ. Vì thế, họ mang theo sự khác biệt từ quê hương họ, nơi họ sinh ra và cho họ những ký ức. Điều này tất nhiên để lại dấu ấn trong sáng tác của họ. Nhưng nhìn chung, người viết trẻ ở thủ đô, theo tôi chẳng có gì khác biệt với người viết trẻ ở những miền đất khác, có chăng chỉ là… lối sống và ứng xử đặc trưng văn hóa. Những nhận xét này chỉ dựa vào một vài bạn viết ở các miền tôi biết mà thôi.
Ngô Gia Thiên An: Tôi chưa có dịp tiếp xúc với các tác giả trẻ ở các thành phố khác.
PV: Khi đặt bút viết, bạn quan tâm đến điều gì: cách viết, đề tài hay độc giả?
Nguyễn Quang Hưng: Khi viết tôi nghĩ về những dáng vẻ khác nhau của điều mình đang viết.
Phạm Thanh Thúy: Tôi chú trọng cách viết. Với tôi, quan trọng không phải là kể chuyện gì, mà là kể chuyện đó như thế nào.
Ngô Gia Thiên An: Tôi quan tâm đến sự chân thật trong chính những điều tôi muốn nói.
PV: Bạn thấy người viết trẻ hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì?
Nguyễn Quang Hưng: Thuận lợi như trên, tôi đã chia sẻ về điều kiện, xúc tác ở nơi mà văn hóa, người tài tụ về. Lại thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, sách vở… cũng mở ra các cơ hội giao lưu, kết nối và thúc đẩy sáng tác. Thêm nữa, sự tự tích lũy, khả năng thu nạp thông tin, tri thức của mọi người cũng nâng lên rất nhiều. Cộng thêm khả năng công bố, quảng bá, lan tỏa tác phẩm trên mạng, trên trang cá nhân…
Còn khó khăn, rất dễ thấy, nguồn thu thấp từ văn chương phần nào hạn chế sự hào hứng; việc khó phát hành tác phẩm thơ, lí luận phê bình gây ảnh hưởng đến việc in ấn, công bố tác phẩm; sự hấp dẫn của công nghệ truyền thông, dịch vụ truyền thông và ánh hào quang ồn ào cũng trở thành thách thức không nhỏ.
Phạm Thanh Thúy: Thuận lợi thì rất nhiều, ai cũng thấy rõ mồn một: Đề tài đa dạng, phong cách rộng mở, điều kiện để học hỏi các trường phái ngoại lai là không hạn chế, cơ hội xuất bản dễ dàng, nhất là, nếu không được xuất bản ấn phẩm bằng giấy in, không có nghĩa độc giả không tiếp cận được sáng tác của bạn, chỉ cần họ lên mạng là đã trở thành độc giả của bạn rồi. Công nghệ đem đến cho họ cơ hội nổi tiếng nhanh đến mức nhiều người không tưởng tượng nổi.
Còn khó khăn? Tôi thấy chỉ có một khó khăn, đó là: Làm sao để người ta đừng quên bạn là một tác giả thực sự, trong khi văn hóa đọc đang chết nhưng người viết văn làm thơ thì xuất hiện cứ như nấm sau mưa.
Ngô Gia Thiên An: Bọn tôi không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Cái khó là, dù trong nước có rất nhiều tác giả tài năng, nhưng dường như nhiều bạn trẻ thường chỉ quan tâm đến các tác giả nước ngoài, thậm chí chỉ biết đến các tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, và điều này làm tôi cảm thấy hơi bi quan.
PV: Bạn có nghĩ đến chuyện trở thành Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội hay Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong tương lai? Bạn kỳ vọng gì ở Hội nghị Viết văn trẻ mình tham dự lần này? (Câu hỏi này xin dành cho tác giả Phạm Thanh Thúy và Ngô Gia Thiên An)
Phạm Thanh Thúy: Tôi làm việc tại báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, nên không thể nói chưa từng nghĩ đến việc trở thành hội viên của Hội. Nhưng ngày hôm nay khác ngày hôm qua, ngày mai chắc chắn khác hôm nay. Ý nghĩ, dự định của mỗi người có thể thay đổi, ai mà biết được. Vậy việc của tương lai, để tương lai nói. Tôi không kỳ vọng mà hy vọng hội nghị thành công như mong đợi.
Ngô Gia Thiên An: Hiện tại tôi có khá nhiều dự định cho tương lai, cũng chưa biết sau này tôi có gắn bó với nghiệp viết hay không... và tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn văn sau khi dự hội nghị này.
* Xin cảm ơn các cây bút trẻ!
Hiền Nguyễn (thực hiện)
Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980 tại Hà Nội. Hiện nay đang công tác tại báo Thời Nay - Báo Nhân Dân. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Cho đến nay anh đã có 4 tập thơ: Vườn ánh sáng, Mùa Vu Lan, Lòng ta chùa chiền và Chia ngũ cốc. Phạm Thanh Thúy sinh năm 1979, tốt nghiệp khoa Viết văn trường Đại học Văn hóa. Hiện nay đang công tác tại báo Văn nghệ. Đã xuất bản 3 cuốn sách là Đi qua miền cỏ thơm, Lặng nhớ mùa đông và hiện cuốn sách mới nhất Theo đuổi đã lọt vào vòng chung khảo giải thưởng văn học Đoàn Thị Điểm. Chị từng được nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ. Ngô Gia Thiên An sinh năm 1999 tại Hà Nội. Hiện đang là học sinh chuyên văn. Tác giả trẻ này làm thơ từ rất sớm, năm 12 tuổi đã in tập thơ Những ngôi sao láp lánh. |