• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để sân khấu truyền hình đi sâu vào lòng người hâm mộ

11/04/2008 09:29

Tuy các vở kịch, cải lương, tuồng, chèo... đã không còn là “món ăn chính” trên “bàn tiệc” truyền hình như gần 10 năm trước đây - nhưng các đài truyền hình VTV, HTV, CVTV, HGTV... vẫn cố gắng duy trì những chương trình sân khấu truyền hình được đầu tư công phu. Vấn đề mà nhiều nhà chuyên môn lẫn khán giả mong mỏi ở các chương trình sân khấu truyền hình trong thời gian tới là có thêm sự tương tác với người hâm mộ.

Tuy các vở kịch, cải lương, tuồng, chèo... đã không còn là “món ăn chính” trên “bàn tiệc” truyền hình như gần 10 năm trước đây - nhưng các đài truyền hình VTV, HTV, CVTV, HGTV... vẫn cố gắng duy trì những chương trình sân khấu truyền hình được đầu tư công phu. Vấn đề mà nhiều nhà chuyên môn lẫn khán giả mong mỏi ở các chương trình sân khấu truyền hình trong thời gian tới là có thêm sự tương tác với người hâm mộ.

Vở diễn “Ngôi nhà búp bê”, chương trình “Sân khấu truyền hình” VTV1.Vở diễn “Ngôi nhà búp bê”, chương trình “Sân khấu truyền hình” VTV1.

Một năm khán giả kênh VTV1 được thưởng thức 53 chương trình sân khấu truyền hình gồm các vở cải lương, tuồng, chèo vào 20 giờ tối thứ bảy hằng tuần, truyền hình trực tiếp từ các Nhà hát lớn trên toàn quốc, do các đoàn nghệ thuật hàng đầu biểu diễn. “Sân khấu truyền hình” của VTV1 đã không chỉ đem lại cho khán giả những vở diễn hay, mà còn phục hồi không gian biểu diễn sang trọng, chật kín khán giả. Thời gian qua, “Sân khấu truyền hình” đã giới thiệu nhiều vở diễn đi vào lòng người, tiêu biểu như vở cải lương “Lan và Điệp” của Nhà hát Trần Hữu Trang, vở chèo “Chinh phụ hai chồng” của Nhà hát Chèo Trung ương, vở kịch “Ngôi nhà búp bê” của Nhà hát Tuổi Trẻ...

Trên sóng HTV7 và HTV9, mỗi tuần có ba vở kịch hoặc cải lương được phát sóng trong chương trình “Sân khấu” vào sáng thứ hai hằng tuần và “Sân khấu về khuya” vào tối thứ sáu, thứ bảy. Hầu hết các vở diễn được phát trên sóng HTV do đài “đặt hàng” các soạn giả và mời nhiều nghệ sĩ ngôi sao diễn. Điều này khiến các vở diễn của HTV mới mẻ và hấp dẫn. Từ sân khấu của HTV, đã có không ít nghệ sĩ trẻ đã trưởng thành, có chỗ đứng trong lòng khán giả như Quế Trân, Hà My, Tấn Giao, Lê Tứ; các diễn viên kịch như Mỹ Uyên, Đình Toàn... Nhiều vở diễn truyền hình của HTV đã từ màn ảnh bước lên sàn gỗ của sân khấu và nhanh chóng được xếp vào những vở diễn kinh điển như các vở cải lương “Trời Nam”, “Người cáo”...

Hai kênh CVTV1, CVTV2 của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ và HGTV của tỉnh Hậu Giang đã tạo dựng được bản sắc riêng cho chương trình sân khấu truyền hình - đặc biệt là cải lương. CVTV hằng tháng đều phát sóng vở mới gần gũi với người dân ĐBSCL của các đoàn cải lương Tây Đô, Hương Tràm, Văn Công Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh, Cao Văn Lầu... HGTV kết hợp với Nhà hát TP Hồ Chí Minh và Nhà hát Tây Đô, mỗi tháng phát trực tiếp từ 2-3 chương trình cải lương chuyên đề, quy tụ nhiều tài danh. Gần đây nhất là loạt chương trình “Đêm hội ngộ” với sự tham gia của nghệ sĩ NSƯT Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Phượng Liên, Phương Hồng Thủy... rất được khán giả hoan nghênh.

Tuy nhiên, các chương trình sân khấu truyền hình vẫn còn hạn chế: khán giả chỉ là những người thụ động theo kiểu “truyền hình cho gì thì xem nấy”. Trong khi đó, thế mạnh của sân khấu lại nằm ở sự đồng cảm giữa diễn viên và khán giả trong biểu diễn. Các chương trình sân khấu truyền hình của VTV1 thường cho khán giả cảm giác nhà đài chỉ việc đặt máy quay phim ở các góc thuận lợi nhất, rồi phản ánh những gì diễn ra trên sân khấu. Các chương trình của HTV và CVTV tuy được đầu tư công phu về kịch bản và diễn viên nhưng lại thường được dựng trong trường quay, khiến vở diễn thiếu không khí đặc trưng của sân khấu.

Nhiều khán giả mong các chương trình sân khấu truyền hình sẽ không chỉ tường thuật một vở diễn, mà cần có các cuộc giao lưu với tác giả, diễn viên; hoặc sử dụng những thủ pháp truyền hình để khắc họa lại sức sống của tác phẩm trong lòng công chúng, những mốc thời gian khó quên của tác phẩm, những khoảnh khắc thăng hoa của vở diễn trong quá khứ và hiện tại... để thay thế sự đồng cảm cần thiết giữa sân khấu và khán giả. Thủ pháp trên đã phát huy tác dụng trong các chương trình kỷ niệm 40 - 50 năm theo nghiệp Tổ của các nghệ sĩ Thanh Sang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy và loạt chương trình “Đêm hội ngộ” vừa diễn ra dịp Tết Mậu Tý 2008 và được HGTV trực tiếp hoặc phát sóng lại. Trong các cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” của HTV và “Trần Hữu Trang 2007” của CVTV và HGTV vừa qua, việc tạo nên mối liên hệ giữa khán giả và các nghệ sĩ thông qua truyền hình đã thu hút đông đảo khán giả thuộc nhiều lứa tuổi và tầng lớp đến với loại hình nghệ thuật cải lương truyền thống. Hy vọng những thành công bước đầu trên đã gợi mở một hướng đi mới - cần có các thủ pháp giao lưu, tương tác với khán giả để sân khấu truyền hình đi sâu vào lòng người.

Theo BCT

NỔI BẬT TRANG CHỦ