(Tổ Quốc) - Nếu một đứa trẻ trông thấp bé hơn so với những đứa trẻ khác đồng trang lứa thì khả năng cao chúng đang gặp phải vấn đề về tăng trưởng.
Nhiều trẻ chỉ được phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học
Chậm tăng trưởng chiều cao có thể hiểu là tình trạng xảy ra khi tốc độ phát triển của trẻ không đạt được các mốc về chiều cao bình thường đối với từng độ tuổi. Thông thường, trẻ có tầm vóc thấp được định nghĩa là trẻ có chiều cao dưới -2SD so với trẻ cùng tuổi, giới tính, chủng tộc.
Tại Việt Nam, có một thực tế là trẻ thường chỉ được cha mẹ phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học, tức khi có điều kiện so sánh chiều cao với các bạn đồng trang lứa. Đôi khi, tình trạng chậm cao của trẻ cũng có thể được phát hiện tình cờ khi trẻ đi khám một bệnh lý khác.
Nếu một đứa trẻ trông thấp bé hơn so với những đứa trẻ khác đồng trang lứa thì khả năng cao chúng đang gặp phải vấn đề về tăng trưởng. Hoặc ngay cả những trẻ có chiều cao ở mức bình thường cũng có thể được chẩn đoán là chậm tăng trưởng nếu tốc độ phát triển của trẻ có dấu hiệu chậm lại rõ rệt.
Khó nhận biết trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH
Các yếu tố ảnh hưởng chiều cao thường được phân thành các nhóm lớn gồm: di truyền, các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết.
Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH (nằm trong nhóm các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết), theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145cm, thấp hơn so với chiều cao tối đa có thể đạt được.
GH là một hormone được sản xuất bởi tuyến yên (pituitary gland) trong não và có tác dụng giúp trẻ phát triển. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, có ảnh hưởng đến chiều cao của mỗi người; đồng thời GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố mỡ, chuyển hóa lipid, sự tổng hợp prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.
Thiếu GH là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích GH không đủ. Thiếu GH có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não…
Thiếu GH có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Trong một số trường hợp, việc thiếu GH không xác định được nguyên nhân.
Trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH. Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ có thể tăng chiều cao 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay không.
Để việc điều trị GH đạt hiệu quả, cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng, tốt nhất trong khoảng độ tuổi 4-13 tuổi. Nếu qua thời gian này, các sụn xương của trẻ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng lên chiều cao.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm GH đối với những trẻ bị chậm tăng trưởng do nhiều bệnh lý khác như: nhỏ so với tuổi thai, hội chứng Turner, bệnh thận mạn,…
Tại TP.HCM, bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong số ít những bệnh viện đa khoa có thể chẩn đoán và điều trị được bệnh lý khó nhận biết này. Tính đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH.
Từ ngày 01/06/2024 đến ngày 23/06/2024, Khoa Nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức chương trình "Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em". Chương trình nhằm mục đích phát hiện kịp thời những trẻ em gặp vấn đề chậm tăng trưởng chiều cao, đồng thời cung cấp kiến thức và hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc, theo dõi quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ.