(Tổ Quốc) - Bộ đề tham khảo THPT 2017 Bộ GD&ĐT công bố ngày 14/5 vừa qua nhận được sự quan tâm của các cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh chia sẻ nhiều ý kiến xoay quanh bộ đề mới này.
Theo đó, mỗi thí sinh sẽ phải hoàn thành 4 bài thi bao gồm 3 bài thi bắt buộc là Văn – Toán – Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Chiều 14/5, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề tham khảo THPT 2017 như là một phép thử đối với học sinh THPT trước khi bước vào kỳ thi chính thức.
Sau khi tiếp cận với bộ đề tham khảo THPT 2017, thầy Cường (Tổ trường tổ Toán –trường THPT Thăng Long) cho biết, đề thi năm nay có thay đổi về hình thức, bao quát kiến thứ lớp 12, đề tham khảo lần trước sắp xếp theo từng chương còn lần này sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó là một thuận lợi cho học sinh. Học sinh cũng có thể dễ dàng “kiếm” được 6 điểm với 30 câu đầu tiên. Đề lần này mức độ dễ hơn, với những câu để đánh giá phân loại học sinh chưa thực sự khó, với mức độ này chắc sẽ có nhiều điểm cao. Đề môn Toán cũng đầy đủ các kiến thức cơ bản để các bạn hoàn thành xét tốt nghiệp.
Thầy Cường cũng đưa ra lời khuyên cho học sinh với môn Toán các em phải đảm bảo nắm chắc kiến thức cơ bản để làm hết 30 câu hỏi đầu tiên, đọc kỹ đề bài, cẩn thận khi tô phiếu trắc nghiệm tránh nhầm lẫn đáp án dẫn đến mất điểm.
Đa số các em học sinh đều đã thử sức với bộ đề tham khảo THPT 2017. Ảnh minh họa: Nhật Linh |
Lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, Ngô Thùy Anh (lớp 12A1, trường THPT Thăng Long) cho rằng đề thi Toán mức độ hơi cao so với khả năng trung bình, môn Tiếng Anh vừa sức còn môn Sử kiến thức quá rộng, ôn tập khó.
Khác với Thùy Anh, T.Nam (lớp 12, trường THPT Thăng Long) chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, T.Nam cho rằng đề thi tham khảo môn Toán lần này có phần dễ hơn đề thi thử nghiệm trước (được công bố vào ngày 20/01/2017).
Trao đổi với PV báo điện tử Tổ quốc, thầy Cấn Văn Đa (Hiệu phó trường THPT Thăng Long) chia sẻ, học sinh “sợ” môn Sử nhất vì đây là năm đầu tiên thi trắc nghiệm, hơn nữa lượng kiến thức môn Sử rộng nên học sinh ôn thi còn lung túng. Với môn Địa, các em có quyển atlat “cứu cánh” nên việc ôn thi dễ dàng hơn, còn môn Giáo dục công dân rất đời thường, chỉ cần chăm nghe báo đài, hiểu biết một chút về xã hội là có thể làm được.
Thầy Đa cũng băn khoăn về việc đổi mới hình thức thi năm nay, thầy cho rằng bài thi trắc nghiệm ở các thành phố lớn thuận lợi hơn vì học sinh thành phố được làm quen với hình thức thi này nhiều rồi, còn ở vùng sâu vùng xa sẽ gặp khó khăn hơn nhất là về cơ sở vật chất và tài liệu ôn tập. Thầy cô và học sinh vùng sâu vùng xa ít được tiếp cận với các bài thi trắc nghiệm nên có thể sẽ lúng túng với lần đổi mới này./.
Nhật Linh