• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật

Văn hoá 01/10/2023 09:48

(Tổ Quốc)- Chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách, chương trình và các cam kết quốc tế. Tuy nhiên cần nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Trẻ em khuyết tật ngày càng được bảo vệ

Việt Nam hiện có hơn 20 triệu trẻ em, trong đó gần 700.000 trẻ em khuyết tật. Nhóm đối tượng này luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách, chương trình và các cam kết quốc tế. Trẻ em khuyết tật tại Việt Nam ngày càng được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng, được ưu tiên hưởng các chính sách phúc lợi, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), đồng thời là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (năm 2007).

Để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật  - Ảnh 1.

Chăm lo cho trẻ khuyết tật là trách nhiệm của gia đình và xã hội

Luật pháp của Việt Nam cũng tiến đến gần với chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về quyền của trẻ em khuyết tật.

Trong thời gian qua, hàng loạt chính sách, đề án, chương trình được Đảng và Nhà nước ban hành, sửa đổi nhằm xây dựng hành lang pháp lý, làm cơ sở cho việc đảm bảo và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các quyền của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng trên thực tế.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có hẳn một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật. Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.

Luật Người khuyết tật ra đời năm 2010 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị của trẻ em khuyết tật trong xã hội; thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Cùng với đó, các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao… cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

Triển khai các chính sách, đề án đối với trẻ em khuyết tật, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan hữu quan đã ban hành hàng trăm công văn, quyết định, kế hoạch hướng dẫn các địa phương, cơ sở, tổ chức cách thực thi các chính sách; giải quyết những khó khăn, vướng mắc… trong quá trình thực hiện.

Công tác tổng hợp, thống kê, khảo sát, đánh giá thực trạng trẻ em khuyết tật và tình hình thực hiện các chính sách được quan tâm thực hiện để tạo cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách đối với trẻ em khuyết tật.

Những cam kết chính trị cùng sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành từ cơ sở tới Trung ương đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.

Nâng cao hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật ở Việt Nam, về các giải pháp của công tác xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội và phổ biến các chính sách đối với trẻ em khuyết tật. Đây được coi là giải pháp đầu tiên và là bước đi ban đầu có ý nghĩa tiên quyết đối với hiệu quả thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật.

Tiếp đó, cần tăng cường huy động sự tham gia của người dân, đặc biệt là chính bản thân gia đình có trẻ em khuyết tật và bản thân trẻ khuyết tật. Khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào mọi hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật , các đề án về trợ giúp trẻ em khuyết tật. Đặc biệt là sự phối hợp của gia đình có người khuyết tật và trẻ em khuyết tật từ việc xác định đối tượng, đến việc lập kế hoạch triển khai thực hiện ở xã, phường, thị trấn để quản lý nguồn lực, giám sát, đánh giá. Gia đình được xem là nơi đầu tiên và cũng là nơi đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật khắc phục khó khăn, vươn lên tạo lập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em khuyết tật cần phải hướng tới việc hỗ trợ cho hộ gia đình có trẻ em khuyết tật, nhằm giúp cho đối tượng này được chăm sóc tốt hơn, qua đó lợi ích của trẻ em khuyết tật được đảm bảo một cách bền vững và lâu dài.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách của Nhà nước đối với trẻ em khuyết tật trong một số lĩnh vực thông qua việc triển khai thực hiện tại các cơ sở. Tiếp tục cung cấp kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật cho cộng đồng.

Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương cần thực hiện tốt và đồng bộ công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật và các qui định khác về trẻ em khuyết tật. Các Bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm kịp thời ban hành các văn bản, quyết định cá biệt để xử lý và hướng dẫn xử lý những vấn đề bức xúc, vướng mắc hoặc tháo gỡ những khó khăn; đồng thời duy trì tốt công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật. Đây là điều kiện quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Hằng năm, các cơ quan, Bộ, ngành cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật ở các địa phương, các cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật.

Cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động nguồn lực của các tổ chức xã hội trong thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật. Đồng thời, thực hiện kết nối các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc bảo đảm thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật và trẻ em khuyết tật.

Ngoài ra, để trẻ em khuyết tật có thể hưởng đầy đủ các quyền như trẻ em bình thường khác và hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội theo đúng khả năng của mình cần xây dựng những trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật theo mô hình tổng hợp đan xen các hoạt động bao gồm: hoạt động giáo dục đặc biệt, giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập; hướng nghiệp và đào tạo nghề, chăm sóc y tế; phục hồi chức năng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; chăm sóc nuôi dưỡng để các em có kỹ năng sống, có một nghề để tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng và trở thành những thành viên có ích cho xã hội.

Các dạng khuyết tật ở trẻ gồm:

Khuyết tật thính giác (khiếm thính): Là sự suy giảm hay mất khả năng nghe, điều này dẫn đến trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ hoặc câm khiến chức năng giao tiếp bị hạn chế.

Khuyết tật thị giác (khiếm thị): Đây là sự suy giảm hay mất khả năng nhìn như mắt trẻ bị kém hoặc bị mù.

Khuyết tật vận động: Trẻ bị tổn thương các cơ quan vận động như tay, chân, cột sống gây ra khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại, đứng, ngồi hay nằm…

Khuyết tật ngôn ngữ: Trường hợp này trẻ bị tật ở cơ quan tiếp nhận chỉ huy ngôn ngữ vùng não và tổn thương của bộ phận phát âm làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ giao tiếp của trẻ.

Khuyết tật trí tuệ: Đây là sự suy giảm năng lực nhận thức, chỉ số thông minh thấp, trẻ không thích nghi được các hoạt động xã hội. Điều này thường xảy ra trước tuổi trưởng thành và rất khó chữa trị.

Ða tật: Là trường hợp trẻ bị 1 hoặc 2 loại khuyết tật cùng lúc.


Hồng Hà


*Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ