(Tổ Quốc) - Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng cần có ưu đãi về thuế giá trị gia tăng với hoạt động văn hóa, tạo điều kiện tốt hơn cho sản phẩm văn học, nghệ thuật, để thuế không trở thành rào cản cho lòng yêu nước, cho tinh thần tự tôn dân tộc, cho khát vọng phát triển đất nước
- 29.10.2024 ĐBQH: Tăng thuế VAT hoạt động văn hóa sẽ dập tắt cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh của thị trường
- 29.10.2024 ĐBQH: Tăng thuế VAT với hoạt động văn hóa là không phù hợp xu thế
- 26.10.2024 Tăng thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ văn hóa là đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Văn hóa
Cần ủng hộ, khuyến khích những sản phẩm văn hóa của Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam
Sáng 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Dẫn lời của đại văn hào Nga Macxim Gorki: "Đối với tôi, lời kêu gọi tổ quốc lâm nguy, không đáng sợ bằng lời kêu gọi văn hóa lâm nguy", đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự lo lắng bởi dù có nhiều cố gắng và thành tựu trong những năm vừa qua, nhưng chúng ta đang chứng kiến sự nhập siêu văn hóa, xâm lăng văn hóa.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta không thể nhìn một, hai bộ phim doanh thu vài trăm tỷ đồng mà tưởng rằng toàn bộ nền điện ảnh của Việt Nam tươi sáng, vì có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng.
Chúng ta cũng không thể nhìn thấy một, hai chương trình âm nhạc, vài ba nghệ sĩ sống xa hoa mà cho rằng cả nền nghệ thuật Việt Nam đang giàu có, vì còn hàng trăm chương trình, hàng ngàn nghệ sĩ đang sống trong cảnh khó khăn.
Theo đại biểu, nếu khoa học khai mở cho xã hội tri thức về tự nhiên thì văn học nghệ thuật khai mở cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương cho con người. Trong ba mục tiêu của giáo dục chân - thiện - mỹ thì văn học nghệ thuật chiếm đến 2. Sáng tạo văn học nghệ thuật luôn tiên phong khai mở cho con người ý nghĩa về cuộc sống, vì vậy, luôn đòi hỏi các văn nghệ sĩ phải xả thân.
Một xã hội văn mình là xã hội biết lắng nghe và tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo của văn nghệ sĩ và những người thực hành văn hoá.
"Tôi cho rằng đây là giai đoạn chúng ta rất cần "chấn dân khí" vì một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì thế chúng ta rất cần ủng hộ, khuyến khích có những sản phẩm văn hóa của Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam để từ đó chúng ta có thêm tình yêu, có thêm niềm tin và tự hào đối với sự phát triển văn hóa của dân tộc.
Đó là lý do tại sao, tôi mong muốn rằng có điều kiện liên quan đến phát triển văn hoá, trong đó có thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện tốt hơn cho sản phẩm văn học, nghệ thuật, để thuế không trở thành rào cản cho lòng yêu nước, cho tinh thần tự tôn dân tộc, cho khát vọng phát triển đất nước từ cảm hứng do các tác phẩm văn học, nghệ thuật đem lại cho nhân dân và cả đất nước của chúng ta", đại biểu kiến nghị.
Phải nhất quán trong chính sách phát triển
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đưa nhóm hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất ưu đãi 5%, nghĩa là phải chịu mức thuế 10% đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đa số các ý kiến bày tỏ không đồng tình việc tăng thuế đối với nhóm ngành này.
Đại biểu cho rằng, việc phát triển văn hóa trong những năm gần đây, đặc biệt sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng. Trong các luật có liên quan như Luật Du lịch, Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Thể dục Thể thao... đã khẳng định sự quan tâm, đầu tư và các chính sách nhà nước ưu tiên phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, chính sách phát triển của nhà nước phải được thể hiện qua các việc làm cụ thể, mà một trong những công cụ thể hiện sự quan tâm của nhà nước để khuyến khích phát triển đó là công cụ thuế.
"Việc ưu đãi về thuế sẽ tạo điều kiện cho nhóm ngành nghề đó phát triển. Những năm qua, chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế đối với nhóm ngành liên quan đến văn hóa, thể thao... Nhưng đến nay, nếu chúng đưa nhóm ngành này ra khỏi danh mục được ưu đãi là chưa hợp lý và chưa thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Đảng, cũng như chính sách khác của Nhà nước về ưu tiên phát triển văn hóa, thể thao...", đại biểu băn khoăn.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trong nhóm ngành về văn hóa, thể thao... cũng có một số ngành cụ thể có thể không cần thực hiện ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, việc xem xét tăng thuế đối với ngành nào cần phải rà soát rất thận trọng và việc tránh việc tăng đột ngột, theo lộ trình để không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
"Chúng ta đã xác định trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là dành các nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa. Vì vậy, một bên chúng ta ra sức xây dựng các chính sách và dành nhiều nguồn lực để phát triển, một bên chúng ta lại tăng thuế thì không tạo được nhất quán", đại biểu bày tỏ.