(Tổ Quốc) - Ðại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với những hệ lụy khôn lường. Chúng ta cần bày tỏ thái độ rõ ràng, lên án mạnh mẽ tâm lý chủ quan ở không ít người dân, bởi sự thiếu ý thức, không tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh của một cá nhân cũng có thể dẫn tới nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lây lan trong cộng đồng.
Sau gần hai tháng căng thẳng phòng chống, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ ba đã tạm lắng. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ ba dù không gây thiệt hại về tính mạng con người nhưng đã lây lan, gây ảnh hưởng tới hơn 10 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó, Hải Dương và Quảng Ninh là hai tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất về kinh tế. Điều này gián tiếp gây "nghẽn mạch" nền kinh tế đất nước bởi không chỉ có người nông dân và tiểu thương phải chịu thiệt hại mà nhiều ngành kinh tế khác cũng chịu tác động tiêu cực nặng nề.
Thời điểm đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đang diễn ra. Trong lịch sử Đại hội Đảng toàn quốc chắc chưa có cuộc họp bên lề nào đặc biệt như hai cuộc họp khẩn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về tình hình dịch bệnh (sáng 28/1 và chiều tối 29/1) tại phòng họp ở Trung tâm Hội nghị quốc gia - nơi đang diễn ra Đại hội XIII của Đảng, khi xuất hiện trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay và có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng do biến chủng virus SARS-CoV-2 .
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khi đó cũng đã có cuộc họp trực tuyến đột xuất với lực lượng y tế tại điểm cầu Hải Dương, Quảng Ninh tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (trong hai ngày 29 và 30/1). Trước đó, nhiều thành viên của Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia thức suốt đêm để họp, chỉ đạo xử lý tình hình. Những cuộc họp đương nhiên không nằm trong chương trình Đại hội nhưng lại rất khẩn cấp và thu hút sự quan tâm đặc biệt. Sau đó, Đại hội đã kết thúc sớm hơn một ngày so với chương trình dự kiến.
Có thể nói, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công với nhiều điều đặc biệt, mang tính lịch sử.
Nhắc lại điều này để thấy rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ ba đã bất ngờ ập đến nguy hiểm đến mức nào, gây ra những hệ lụy ra sao…
Để mọi hoạt động diễn ra bình thường, để người dân được đi làm, trẻ em đến trường, các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại… như hôm nay là nhờ vào sự quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị cùng với sự góp sức của nhân dân cả nước
Nhưng trên thế giới, nhiều quốc gia như: Mỹ, Ý, Brazil, Anh, Áo… vẫn đang phải đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng với sự xuất hiện biến thể mới của virus gây bệnh và nhiều ca tử vong. Điều này cho thấy không có sự an toàn tuyệt đối nào đối với các quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, trên các chuyến bay giải cứu và đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao từ nước ngoài vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới. Tại các tỉnh biên giới vẫn phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp không thực hiện cách ly, phòng chống COVID-19 theo quy định. Do đó, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, không chỉ tại các thành phố lớn mà các địa phương, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu.
Đáng nói là khi làn sóng covid-19 thứ ba vừa tạm lắng xuống, người dân chúng ta đã có tâm lý chủ quan. Nhiều người dân ra khỏi nhà, đi chợ, đi siêu thị hoặc đến những nơi công cộng nhưng không đeo khẩu trang, không còn thói quen sát khuẩn tay như trước đây…
Cuối tuần qua, cả biển người nườm nượp đổ về chùa Tam Chúc để chiêm bái, tham quan… khiến các cửa bán vé xe điện, đi thuyền bị quá tải. Thử hỏi, nếu chẳng may có F0 thì sẽ phải truy xuất như thế nào? Qua phản ánh trên truyền thông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã phải ký văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để yêu cầu phối hợp triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Các cơ quan chức năng của Bộ như Tổng cục Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch trong lĩnh vực văn hóa, thể theo, du lịch. Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng chống dịch song song với đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của người dân là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cũng như BQL từng di tích, danh thắng.
Trước đó, song song với tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với những người không chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo và khai báo không trung thực.
Dù vậy, không hình phạt nào hiệu quả bằng ý thức. Mỗi một công dân biết ý thức bảo vệ mình là cộng đồng được an toàn, một quốc gia an toàn thì giúp cho thế giới an toàn. Nếu chỉ cần số ít người có tâm lý chủ quan, lơ là, không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch bệnh thì mọi nỗ lực vừa qua sẽ trở thành vô nghĩa. Hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức, tiếp tục thực hiện nghiêm những quy định về phòng chống dịch Covid-19, quy định 5K của Bộ Y tế, trước hết là vì sự an nguy của chính bản thân mình, gia đình mình và cả cộng đồng. Đây cũng chính là trách nhiệm của mỗi công dân.
Ðại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với những hệ lụy khôn lường. Chúng ta cần bày tỏ thái độ rõ ràng, lên án mạnh mẽ tâm lý chủ quan ở không ít người dân, bởi sự thiếu ý thức, không tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh của một cá nhân cũng có thể dẫn tới nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lây lan trong cộng đồng./.