• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để văn hóa thực sự trở thành ngành công nghiệp phát triển - Bài 5: Kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn" để tạo khí thế mới, động lực mới

Văn hoá 05/04/2024 07:39

(Tổ Quốc) - Sau 7 năm kể từ khi ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với sự tham mưu tích cực từ phía Bộ VHTTDL, ngày 22/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã lần đầu tiên chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam với sự tham gia của nhiều bộ ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, các nghệ sĩ trong lĩnh vực này.

Để văn hóa thực sự trở thành ngành công nghiệp phát triển - Bài 5: Kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn" để tạo khí thế mới, động lực mới  - Ảnh 1.

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Các ngành công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực đánh giá là một Hội nghị "Diên hồng" của công nghiệp văn hóa.

Định nghĩa về công nghiệp văn hóa, Thủ tướng cho rằng, nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Theo Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là nước đi sau trong việc phát triển công nghiệp văn hóa sau nhiều năm chiến tranh; các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam chịu sức cạnh tranh lớn.

Phát triển công nghiệp liên quan đến yếu tố sáng tạo, đến nhân tố con người, nhưng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với quốc tế. Đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng gặp nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài.

Về tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, Thủ tướng khẳng định, điều kiện, không gian phát triển công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, tiến bộ của nhân loại là không có giới hạn.

"Các ngành công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế

Tại Hội nghị này, sau khi nghe những khó khăn, vướng mắc được các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội chia sẻ trong quá trình kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, Thủ tướng cho rằng, để tháo gỡ cần phải tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.

Đối với Bộ VHTTDL, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: "Đối với ngành công nghiệp văn hoá, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện các giải pháp. Thứ nhất, xây dựng chỉ tiêu hệ thống thống kê để đánh giá sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội. Thứ hai, xây dựng các cuộc điều tra thống kê để thu thập thông tin. Thứ ba là xây dựng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin cho các cơ quan. Cuối cùng là phối hợp với Bộ VHTTDL để xây dựng chỉ tiêu về văn hóa".

Hỗ trợ và khuyến khích liên kết, hình thành mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế. Hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đề xuất xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: "Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa".

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công nghiệp văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng kỹ thuật số.

Tổ chức thường niên các sự kiện ở cấp quốc gia và quốc tế để kết nối, giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, lồng ghép trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

Phân định rõ nhiệm vụ từng ngành, địa phương

Đối với nhiệm vụ của các Bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có các chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà: "Liên quan đến nguồn lực về vay vốn, hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bộ, ngành để phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện tại, đang có 5 ngành ưu tiên theo khuyến khích của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định riêng hướng dẫn về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, ví dụ bây giờ là lãi suất 4%. Với ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể tham khảo cách thức triển khai như thế".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP.

Bộ Xây dựng tập trung đầu tư, khai thác các sáng tạo đột phá trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, xây dựng và thiết kế nội thất, đặc biệt đối với quy hoạch đô thị.

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tăng cường bảo vệ tài sản sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hoá. Xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các chủ thể sáng tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục và bổ sung nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đối với lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Ưu tiên chỉ tiêu bồi dưỡng, đào tạo tại các cơ sở đào tạo giảng viên cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết nối chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và tổ chức sử dụng lao động; nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời (khi cần thiết) cho các doanh nghiệp, người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa gặp khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm: "Trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng có đủ nguồn lực để trang trải".

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển ngành phần mềm và các trò chơi giải trí; đưa các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác. Chuyển dịch từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm thương hiệu Việt, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số.

Về nhiệm vụ của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững

Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá văn hóa, công nghiệp văn hóa.

Đối với các hiệp hội, Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Cộng đồng các doanh nghiệp cần phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác cùng phát triển. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Cùng với đó, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cũng cần tiếp tục phát huy tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, những giải pháp bước đầu này có thể chưa giải quyết triệt để hết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay nhưng sẽ góp phần giúp chúng ta vững tin hơn để tạo khí thế mới, động lực mới trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa đất nước trong giai đoạn tiếp theo./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: "Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị, hiện nay, Bộ VHTTDL đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới. Dự thảo mới được soạn thảo theo hướng khu trú các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có lợi thế. Bộ tiếp cận theo hướng tìm sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người hưởng thụ trên tinh thần "bán cái người cần mua chứ không phải bán cái mình có". Theo hướng tiếp cận này, để phát huy đà tăng trưởng, Bộ xác định các mũi trọng tâm như: Điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, hội họa, kiến trúc…"






Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ