• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới về du lịch

Du lịch 05/04/2019 07:28

(Tổ Quốc) - Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Ngành Du lịch đang tích cực, chủ động đưa ra các giải pháp nhằm phát huy tối đa những lợi thế do cuộc Cách mạng này mang lại để phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Video quảng cáo của Vietnam Airlines nối liền với Vingroup trên kênh CNN

4.0 làm thay đổi diện mạo ngành du lịch

Hiện nay trên thế giới việc phát triển du lịch thông minh đang thực sự sôi động và đem đến nhiều thành quả vượt trội. Du lịch thông minh trong thời đại 4.0 đang mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, kinh doanh du lịch và cả du khách.

Thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) được cho là thế hệ đầu tiên của "xã hội kỹ thuật số" với thói quen sử dụng laptop và smartphone (máy tính cá nhân, điện thoại thông minh). Chính thói quen này đã tạo ra vô số xu thế đưa công nghệ thông tin thâm nhập nhiều vào các lĩnh vực trong đời sống của con người, làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm, kinh doanh. Trong đó có việc lựa chọn, lập hành trình cho những chuyến đi du lịch trong và ngoài nước.

Trong 3 năm qua, du lịch Việt Nam đã phát triển rất nhanh, đạt tốc độ phát triển kỷ lục. Nhưng đó chỉ là nhất thời, bởi thời gian sau sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng 2 con số nếu không ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch thông minh, bền vững

Ông Vũ Thế Bình

Với những ứng dụng đầy tiện ích của 4.0 từ việc số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch như bản đồ các điểm du lịch, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông…của mỗi địa phương, mỗi quốc gia đang được triển khai rộng rãi trên môi trường mạng. Nhiều nước trên thế giới hiện đang triển khai những ứng dụng nhằm xây dựng và phát triển du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR, dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng…

Ngày nay, với sức mạnh và sự phát triển mạnh mẽ của mạng (internet), các doanh nghiệp, lữ hành cũng "buộc" phải điều chỉnh và thay đổi cách thức quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại để làm sao đáp ứng được nhu cầu thông tin nhanh nhạy và đa dạng. Phương thức kinh doanh online, quảng bá trực tuyến đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực và ngày càng khẳng định vị trí của mình trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp lữ hành.

Đối với du khách khi có nhu cầu đi du lịch trong nước hay nước ngoài không nhất thiết phải thông qua các công ty lữ hành mà hoàn toàn có thể tự mình lên lịch trình chi tiết cho mỗi chuyến đi từ khâu chọn điểm đến, đặt vé máy bay, đặt khách sạn, hướng dẫn viên…

Đối với các cơ quản lý của ngành du lịch, hay doanh nghiệp lữ hàng, những ứng dụng công nghệ mà 4.0 mang lại cũng không ít, từ việc quản lý cơ sở dữ liệu ngành cho đến việc tái tạo lại những sự kiện lịch sử, không gian văn hóa truyền thống, những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ…thông qua các thước phim 3D, 4D, công nghệ ảo…Điều này sẽ mang đến cho du khách có điều kiện tìm hiểu thông tin, cảm nhận và hiểu sâu sắc về những giá trị văn hóa, lịch sử tại địa điểm du lịch mà mình lựa chọn.

Cùng với những ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0, ngày nay còn có những trang mạng xã hội Facebook, Twitter, website …những người quản lý có thể dễ dàng nắm bắt được xu hướng mới, nhu cầu thực tế của du khách để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp (đón đầu xu thế). Cũng qua môi trường mạng, việc phản ánh những sai phạm, hiện tượng tiêu cực của du khách đến với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lữ hành cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Điều này giúp cho việc nắm bắt thông tin và đưa ra các biện pháp khắc phục, xử lý sự cố phát sinh trong hoạt động du lịch tiện lợi và hiệu quả.

Phát huy tối đa những lợi thế do 4.0 mang lại cho du lịch Việt Nam

Ở Việt Nam, theo thông tin thống kê từ năm 2017 đã có tới 71% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua việc tìm hiểu và tham khảo thông tin điểm đến trên Internet... Điều này cho thấy du lịch thông minh đã và đang ngày càng phổ biến và đóng vai trò không nhỏ vào việc tăng trưởng khách du lịch.

Để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới về du lịch - Ảnh 4.

Ngành Du lịch cần tận dụng cơ hội để ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ đó đáp ứng được nhu cầu cao nhất của du khách.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng công nghệ thông tin đang ngày càng ngấm sâu vào các ngành kinh tế, thể hiện bằng Cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này sẽ dẫn đến việc phát triển du lịch thông minh, giúp tiết kiệm về nhân công, giảm giá thành. Ngành Du lịch sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ đó đáp ứng được nhu cầu cao nhất của du khách.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng, hy vọng rằng việc ưu tiên phát triển Du lịch thông minh thời đại 4.0 sẽ là cơ hội để giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới về du lịch

Thứ trưởng Lê Quang Tùng

Hiện nay ở Việt Nam có hai loại hình doanh nghiệp liên quan đến du lịch đã tiếp cận với công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách. Một là các doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên nghiên cứu để đưa ra các ứng dụng mới cho ngành du lịch. Hai là các doanh nghiệp làm du lịch.

Với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong thời gian qua đã có thêm hàng chục công ty cho ra đời các công cụ giúp những đơn vị du lịch thực hiện các giao dịch đặt phòng, đặt tour, thanh toán thuận lợi, nhanh chóng, tạo ra sàn giao dịch ảo cho các đơn vị du lịch giao dịch. Còn với các doanh nghiệp làm du lịch, các đơn vị lữ hành cũng đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng công nghệ thông tin ngày một nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng cao của du khách trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, với 98% doanh nghiệp du lịch của Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại còn đang loay hoay, lo lắng trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vì thế 4.0 với ngành du lịch Việt Nam chỉ là "vừa mới bắt đầu". Chính vì thế, tại hội thảo "Du lịch Việt Nam với Cách mạng Công nghiệp 4.0" diễn ra mới đây tại VITM 2019, ông Vũ Thế Bình đã đưa ra cảnh báo "Trong 3 năm qua, du lịch Việt Nam đã phát triển rất nhanh, đạt tốc độ phát triển kỷ lục. Nhưng đó chỉ là nhất thời, bởi thời gian sau sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng 2 con số nếu không ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch thông minh, bền vững".

Để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới về du lịch - Ảnh 6.

4.0 đã làm thay đổi cách tiếp cận với khách hàng của ngành du lịch. Vì chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone là du khách có thể lập trình cho mình một chuyến du lịch trong và ngoài nước thuận tiện nhất.

Trước đó, khi trả lời báo điện tử Tổ Quốc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cũng đã khẳng định, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Ngành Du lịch đang tích cực, chủ động đưa ra các giải pháp nhằm phát huy tối đa những lợi thế do cuộc Cách mạng này mang lại để phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Đặc biệt, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã nhấn mạnh đến yêu cầu ưu tiên phát triển Du lịch thông minh. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh được xác định là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025" nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW.

98% doanh nghiệp du lịch của Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại còn đang loay hoay, lo lắng trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vì thế 4.0 với ngành du lịch Việt Nam chỉ là “vừa mới bắt đầu”

Vũ Thế Bình

Với 5 nhóm giải pháp được đưa ra trong đề án này (Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch; Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch và các ứng dụng gắn với Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, chính phủ điện tử; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch; Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch). Từ đó hy vọng rằng việc ưu tiên phát triển Du lịch thông minh thời đại 4.0 sẽ là cơ hội để giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới về du lịch./.


Bài, ảnh: Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ