(Tổ Quốc) - Nhiều tín hiệu trong những ngày đầu năm 2023 mở ra triển vọng ngành du lịch Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đón 110 triệu lượt du khách trong năm 2023, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, An Giang… đón lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.
Theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2023 của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 871.000 lượt người, gấp 44,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Đây là những tín hiệu vui, mở ra triển vọng ngành du lịch Việt Nam có thể đón tổng cộng 110 triệu lượt du khách trong năm 2023, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.
Các thống kê cũng cho thấy nhiều địa phương thắng lớn về doanh thu du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa có doanh thu du lịch ước đạt hơn 647 tỷ đồng, tăng 177% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Con số này ở tỉnh Ninh Bình là 550 tỷ đồng; ở Bà Rịa - Vũng Tàu là 538 tỷ đồng; ở TP. Cần Thơ là 340 tỷ đồng…
Trong các đoàn khách quốc tế sang Việt Nam đón Tết có khách Trung Quốc sau khi nước này mở cửa biên giới từ ngày 8/1. Sự trở lại của du khách Trung Quốc dù chưa nhiều nhưng cho thấy Việt Nam có nhiều "cửa" để tăng lượng khách quốc tế trong năm 2023. Năm 2019, thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát, ngành du lịch đã đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Nói như vậy không có nghĩa chúng ta chỉ trông chờ thị trường Trung Quốc để hoàn thành mục tiêu đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Trong lúc thị trường Trung Quốc chưa phục hồi, tháng 1/2023, du khách Hàn Quốc đến Việt Nam đông nhất với hơn 258.000 lượt người, tiếp theo là Mỹ với gần 78.000 lượt người, Thái Lan với gần 55.000 người.
Tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia đã phân tích triển vọng bứt phá của ngành công nghiệp không khói trong năm 2023 sau khi lượng khách quốc tế trong năm 2022 chỉ hơn 3,5 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch năm.
Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan như: một số thị trường truyền thống của Việt Nam tại Đông Bắc Á chưa mở cửa và khá dè dặt, chính sách visa của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực, các chương trình xúc tiến mới còn thiếu và yếu…
Đó là chưa kể là thái độ phục vụ của thiếu niềm nở của nhân viên hải quan, an ninh hàng không và xuất nhập cảnh - 3 cơ quan cùng vận hành tại khu vực sân bay. Câu chuyện một nhân viên sân bay đòi tiền tip của du khách tại cửa khẩu sân bay Nội Bài hồi đầu tháng 1/2023 ít nhiều ảnh hưởng hình ảnh một đất nước đang nỗ lực thu hút du khách.
Vậy làm sao để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam một cách bền vững, không những khách đến đông hơn mà còn lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, mang lại doanh thu cho ngành du lịch vốn đóng góp trực tiếp và gián tiếp hơn 10% cho GDP của Việt Nam?
Các nhà quản lý và chuyên gia đã chỉ ra việc thay đổi chính sách visa; thiết kế lại các chương trình quảng bá điểm đến, xúc tiến thị trường; thiết kế lại thông điệp thu hút khách theo xu hướng mới; xây dựng cơ sở hạ tầng và các sản phẩm du lịch; quản lý tốt các điểm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ ở sân bay…
Quả thật, có rất nhiều việc cần làm. Tại hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế hồi tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững, hội nhập quốc tế; ngành du lịch chú trọng liên kết với lĩnh vực khác, hình thành sản phẩm đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, ẩm thực... Cốt lõi là phải cung cấp dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cung cấp cái chúng ta sẵn có.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút ít nhất 25 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, với doanh thu 2.380 tỷ baht (hơn 72 tỷ USD), tăng hơn nhiều so với 11,15 triệu lượt khách quốc tế đến nước này trong năm 2022.
Để gây dựng hình ảnh, kích cầu du lịch, Tổng cục Du lịch Thái Lan thúc đẩy chiến lược "quyền lực mềm" thông qua ẩm thực, điện ảnh, thời trang, lễ hội và võ thuật (gọi là "5Fs"). Chính phủ Thái Lan cũng đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng về du lịch giai đoạn 2023-2027, trong đó có việc thúc đẩy trở thành một trong những điểm đến chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới. Còn với Việt Nam, chúng ta luôn kỳ vọng dải đất hình chữ S này tiếp tục là điểm đến giàu bản sắc văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn trong mắt du khách; không xuất hiện những hình ảnh hay câu chuyện "xấu xí" để du khách một đi không trở lại.