(Tổ Quốc) - Tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Để giảm tỷ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế tiêu dùng mặt hàng không có lợi cho sức khỏe; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình.
Chiều ngày 30/7/2024, tại TP. Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”.
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính; đại diện Tổng cục Thuế; các cơ quan quản lý nhà nước; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện hiệp hội doanh nghiệp; lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn TP. Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thúy Anh - Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành quy định, thuế suất thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%. Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016 - 2018, tuy nhiên, sức mua của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá tăng rất chậm. Hiện, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuế rượu, bia của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Do vậy, lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu và bia từ năm 2016 - 2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.
Do vậy, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.
Không chỉ vậy, việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia còn gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49; 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp).
Cần tiếp tục điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tính thuế tỷ lệ % đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ: “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.
Ngoài ra, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập, Việt Nam sẽ áp dụng một mức thuế suất % thống nhất với tất cả các sản phẩm bia không phân biệt bao bì đóng gói sản phẩm, nghĩa là bia tươi, bia hơi, bia chai hoặc bia lon.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật thuế TTĐB (sửa đổi) trong đó yêu cầu: “Nghiên cứu, chưa bổ sung vào chính sách 5 của đề nghị xây dựng Luật nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO”.
Bên cạnh đó, tại đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua nguyên tắc tăng thuế, điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB (thuế tỷ lệ %) đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc tăng thuế TTĐB cũng nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế tiêu dùng; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước. Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 2 giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Cụ thể, đối với giải pháp 1, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình. Với rượu từ 20 độ trở lên, năm 2026 sẽ áp dụng mức thuế suất 70%; 2027 là 75%; 2028 là 80%, 2029 là 85% và đến năm 2030 mức thuế này sẽ là 90%. Đối với rượu dưới 20 độ, mức thuế suất từ năm 2026-2030 sẽ ở mức 40 - 60%. Đối với mặt hàng bia, dự thảo đề xuất, kể từ 2026 -2030, mỗi năm sẽ tăng thêm 5% thuế suất thuế TTĐB, để đến năm 2030 mức thuế TTĐB với bia đạt 90%.
Giải pháp 2, rượu từ 20 độ trở lên sẽ có mức thuế 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030. Với rượu dưới 20 độ, thì mức thuế 50% được triển khai từ năm 2026 và đến năm 2030 đạt mức 70%. Riêng mặt hàng bia, từ năm 2026 -2030 sẽ tăng 5%/năm, đạt mức 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030.
“Theo cam kết gia nhập WTO, việc áp dụng phương pháp tính thuế tỷ lệ đối với bia, rượu là hoàn toàn phù hợp cam kết của Việt Nam”, dự thảo tờ trình dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính cho hay. Tuy nhiên, phương án này sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu, bia do tác động giảm tiêu thụ.
Đánh giá tác động của các đề xuất này, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng thuế TTĐB sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này. Qua đó, hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Với đề xuất này, giá bán rượu, bia năm 2026 sẽ tăng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Mặt khác, việc định hướng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia góp phần kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây bệnh, làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện. Tăng thuế không chỉ góp phần giảm sử dụng ở cả nam và nữ, mà còn cản trở tiếp cận của vị thành niên do giá bán tăng...
Đối với giải pháp 2, theo tính toán của Bộ Tài chính sẽ làm tăng thu ngân sách nhà nước nhiều hơn so với giải pháp 1. Theo đó, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Do ngay từ khi Luật có hiệu lực (2026), mức tăng thuế cao hơn giải pháp 1 đáng kể nên sẽ có tác động ngay lập tức đến giảm sử dụng rượu, bia hiệu quả nhanh hơn ngay từ năm 2026.
Bên cạnh đó, số thu thuế TTĐB cũng tăng nhanh hơn nhiều trong năm đầu tiên, các năm sau mức độ tăng có tốc độ chậm hơn. Giải pháp này có hiệu quả tức thì theo phương pháp tăng nhanh và mạnh ngay khi Luật có hiệu lực để mang lại tác dụng hiệu quả ngay trong việc giảm sử dụng. Vì nếu tăng từ từ thì người sử dụng lại có thời gian để thay đổi, đáp ứng hơn với sự tăng thuế chậm. Tuy nhiên, giống như giải pháp 1, phương án này sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu, bia do tác động giảm tiêu thụ.
Trên cơ sở phân tích các tác động tích cực và tiêu cực của 2 giải pháp, Bộ Tài chính kiến nghị lựa chọn giải pháp 2./.