• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất 8 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp hậu Covid-19

Kinh tế 29/06/2020 19:15

(Tổ Quốc) - Theo tính toán sơ bộ, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ/giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm - báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Hà Giang

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng khoảng 1,4 triệu người

Chiều 29/6, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã tổ chức Hội nghị "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19".

Báo cáo tại Hội nghị, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm - cho biết, về thị trường lao động, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020. 

Lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. 

Cục trưởng Cục Việc làm dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), riêng trong quý I/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường; hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có gần 10% phải giảm tới một nửa quy mô lao động so với hiện nay, hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây. 

Theo tính toán sơ bộ, tính đến tháng 6/2020, cả nước đã có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người); 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc; lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% khu vực công nghiệp, 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao dộng mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 900 nghìn người...  

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp (ước tính giải quyết việc làm cho 540 nghìn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước). Nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại TP HCM) giảm 28%, Hà Nội giảm 23%...). 

"Đồng thời, một loạt các thị trường lao động đều bị tạm dừng trong 6 tháng đầu năm. 6 tháng đầu năm 2020 mới có 33,5% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (bằng 60,3% so với cùng kỳ năm trước), riêng trong tháng 5 các doanh nghiệp chỉ cung ứng được 126 lao động", báo cáo của Cục Việc làm cho hay.

Về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đại diện Cục Việc làm cho hay, những khó khăn của thị trường lao động được thể hiện qua việc người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Theo tính toán sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng TCTN là 565 nghìn người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 201

Vùng Đông Nam Bộ là nơi có nhiều người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhất (hơn 200 nghìn người, chiếm 37%). Tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng sông cửu Long (hơn 100 nghìn người/vùng, chiếm 18%)...

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chủ trì Hội nghị. Ảnh: Hà Giang

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Tổng công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động trầm trọng tới doanh nghiệp ngành du lịch. Với Hanoitourist, kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm chỉ đạt 93 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch năm. Lượng khách lưu trú giảm 39% trong khi công suất phòng giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số khách sạn liên kết như khách sạn Metropole doanh thu trước đây là 3 tỷ mỗi ngày, nay chỉ còn 20-30 triệu đồng/ngày. Điều này khiến doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí. “Mặc dù đã phải cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, đồng thời ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng tình hình kinh doanh vẫn gặp rất nhiều khó khăn” - ông Đỗ Anh Tuấn nêu.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc SaiGontourist, sau thời gian giãn cách xã hội doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ nguồn lực, chưa cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, những dấu hiệu để phục hồi du lịch chưa khởi sắc. 

“Ngoài du lịch nội địa thì du lịch quốc tế và đưa người Việt Nam ra nước ngoài chưa được mở cửa. Trong khi đó, đây là nguồn chiếm tỷ trọng cao. Bên cạnh đó, đến hết tháng 6, nguồn tích luỹ của doanh nghiệp đã dần cạn. Nguồn chi trả lương thưởng cũng bắt đầu giảm dần. Khả năng doanh nghiệp sẽ phải rà soát lại nhân sự để có tính toán phù hợp....”, bà Nguyễn Hoài Thu nhấn mạnh.

Tương tự, các doanh nghiệp khác thuộc các lĩnh vực như hàng không, dệt may... cũng nêu những khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, do các điều kiện đưa ra quá khắt khe nên đến thời điểm này rất ít doanh nghiệp và người lao động được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ

8 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 15/2020/QD-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Dù vậy, các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh. 

Do ảnh hưởng của dịch còn lâu dài và phức tạp, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã thảo luận, đưa ra một số đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng có những chính sách, chiến lược mạnh dạn, tức thời để khai thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản hóa thủ tục và điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư dài hạn. 

Chủ động nắm bắt thị trường lao động trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt nguồn lao động, chuyên gia nước ngoài, lao động bị thôi việc, mất việc làm… 

Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu - lao động cũng như thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sử dụng lao động, thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động. 

Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. 

Xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Cùng với đó, xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. 

Rà soát các quy định pháp luật về lao động, việc làm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt hoặc ngừng hoạt động, phá sản. Đồng thời, hỗ trợ người lao động duy trì, ổn định cuộc sống trong bối cảnh ngừng việc, mất việc làm, giảm thu nhập. 

Tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, nhờ quyết liệt phòng chống dịch ngay từ giai đoạn đầu, xác định bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, Chính phủ xác định sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn, vì vậy, đã cơ bản khống chế được đại dịch trên lãnh thổ Việt Nam từ rất sớm. 

Hiện nay, Chính phủ xác định phát triển kinh tế trong tình hình "bình thường mới", thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Dù vậy, theo Thứ trưởng, hiện tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, người lao động vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Phiên họp của Chính phủ tới đây sẽ tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ mạnh hơn. 

Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã tổ chức Hội nghị này với mong muốn tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để nắm được doanh nghiệp còn khó khăn gì? Từ nay đến cuối năm tiếp tục gặp khó khăn gì trong lĩnh vực lao động, việc làm? Chính phủ cần tiếp tục làm gì giúp cho doanh nghiệp?

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ