• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất cho phép gia đình tự trưng cầu giám định khi trẻ bị xâm hại tình dục

Thời sự 01/11/2017 08:54

(Tổ Quốc) - Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường sáng 1/11,  Đại biểu Nguyễn Thị Thúy (Bắc Kạn) đã phản ánh đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thực trạng hiện nay về xâm hại tình dục trẻ em

Theo Đại biểu Thúy, số liệu thống kê thì mỗi năm cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng như: số trẻ bị xâm hại ở độ tuổi mẫu giáo ngày càng gia tăng, xảy ra nhiều vụ xâm hại sau đó giết trẻ hoặc dẫn đến trẻ tự sát.

ĐBQH Nguyễn THị Thúy (Bắc Kạn).

Đặc biệt, nhiều vụ xâm hại có tính chất loạn luân như cha dượng xâm hại con riêng của vợ hay cả cha đẻ và ông nội cùng xâm hại trẻ trong một thời gian dài như ở Vĩnh Long, một số vụ cả thầy giáo và bảo vệ cùng xâm hại nhiều học sinh mà chỉ đến khi trẻ quá sợ hãi thì sự việc mới bại lộ.

Có những sự việc sau khi xảy ra thì gia đình cam chịu bỏ qua chứ không báo cáo cho chính quyền, có những vụ gia đình muốn đưa ra pháp luật thì lại thiếu hiểu biết pháp luật nên thiếu hoặc mất đi những chứng cứ ban đầu rất quan trọng đối với quá trình chứng minh tội phạm.

Khi chưa đưa được kẻ phạm tội ra pháp luật thì nhiều gia đình đã phải chọn giải pháp chuyển nhà, chuyển trường để hạn chế ảnh hưởng tâm lý đến trẻ. Trong khi, kẻ phạm tội vẫn còn nhởn nhơ ngoài pháp luật và trở thành nguy cơ cho xã hội.

Mặc dù sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng sau khi xảy ra lại có dấu hiệu bỏ qua, bỏ lọt rất khó khăn cho quá trình chứng minh tội phạm. Cụ thể, gia đình là hàng rào đầu tiên bảo vệ các em nhưng từ thực tiễn các vụ việc cho thấy, chúng ta vẫn đang quan tâm trẻ theo cách truyền thống mà chưa quan tâm trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình nhất là khu vực miền núi.

Qua các vụ việc cho thấy công tác giáo dục trong nhà trường còn bỏ ngỏ, sách giáo khoa có rất ít nội dung này, đồng thời nhiều giáo viên còn tâm lý e ngại nên việc giảng dạy những vẫn đề này vẫn còn rất hạn chế. Đại biểu Thúy nêu dẫn chứng, hiện nay các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa môn giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy, qua đó đã giúp trẻ ứng phó được với nguy cơ bị xâm hại tình dục. Trong đó, tập trung khuyến khích trẻ tự nói ra những tình huống xấu đã từng gặp.

Nữ đại biểu này cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục nước nhà phải đưa những nội dung này vào trường học, giáo dục giới tính phải là những bài học bổ ích.

Đại biểu Thúy nhấn mạnh, quá trình chứng minh các vụ án này gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên tắc tố tụng là trọng chứng hơn trọng cung, do đó nếu không có chứng cứ thì các cơ quan tố tụng cũng không thể khởi tố. Trong khi đó, các vụ xâm trẻ em có đặc điểm là xảy ra ở những nơi vắng vẻ, ít nhân chứng, trẻ bị hại quá nhỏ để có thể khai báo.

Khó khăn nữa là vấn đề giám định, luật Giám định tư pháp không có quy định riêng cho việc tự trưng cầu giám định. Gia đình bị hại chỉ có thể trưng cầu giám định sau 7 ngày mà cơ quan chức năng từ chối giám định. Sau đó sẽ rất khó để chứng minh bằng chứng phạm tội. Đại biểu Thúy kiến nghị Quốc hội cho sửa Luật Giám định Tư pháp theo hướng cho phép gia đình nạn nhân được tự trưng cầu giám định ngay sau khi sự việc xảy ra.

Hiện nay, 15 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong đó Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối nhưng thực tế vẫn chưa có cơ quan nào có số liệu chính xác về số vụ việc trẻ em bị xâm hại. Tất cả số liệu đều lấy theo số vụ việc Tòa án đã xử lý. Như vậy sẽ không đánh giá đúng tình hình, kéo theo không có biện pháp thích đáng để ngăn chặn những vụ việc này.

Thế Công

     

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ