(Tổ Quốc)- Đó là nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra thảo luận tại cuộc họp do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức ngày (11/12) theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng dự họp có đại diện các đơn vị: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị tư vấn.
Trong các cố đô của Việt Nam, Huế là Cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật Cung đình, với hệ thống Thành quách, Cung điện, Miếu đường, Đền đài, Lăng tẩm, Phủ đệ... Đây là Quần thể di tích có nhiều giá trị lịch sử, ghi dấu 143 năm trị vì của vương triều nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử nước ta. Tuy nhiên, sau chiến tranh, phần lớn các di tích đã bị hủy hoại và tổn thất nặng nề, các di sản phi vật thể bị thất truyền phần lớn, cảnh quan môi trường bị tàn phá, di sản Huế đứng bên bờ vực của sự diệt vong và quên lãng.
Sau khi Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993, để thực hiện công cuộc bảo tồn và khôi phục các giá trị di sản văn hóa Huế, trong giai đoạn 1996-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 12/2/1996 và quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010 phê duyệt Dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010 và Đề án điều chỉnh Dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010 - 2020.
Sau khi có quyết định phê duyệt của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế và đã đạt được những kết quả to lớn. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh cũng như khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.
Theo số liệu thống kê, trong 25 năm qua đã có hơn 170 hạng mục công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ, tiêu biểu là các di tích: Ngọ Môn, Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ, tổng thể di tích đàn Nam Giao, Cung An Định, 10 cổng Kinh Thành Huế... Cùng với đó là hệ thống hạ tầng và cảnh quan các khu di sản. Hàng chục di sản phi vật thể được nghiên cứu, phục hồi phát huy giá trị, tiêu biểu là Nhã nhạc cung đình (được UNESCO công nhận là di sản Phi vật thể năm 2003), các lễ tế Giao, tế Xã Tắc, một số nghề thủ công truyền thống, ẩm thực cung đình Huế…Đặc biệt, di sản Huế đã trở thành chất liệu và nội dung chủ đạo của các kỳ festival văn hóa và festival nghề truyền thống được tổ chức hàng năm tại thành phố Huế, là nền tảng để xây dựng Huế trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam. Khu di sản Huế cũng thu hút khoảng 85% lượng du khách đến tham quan cố đô Huế, từ chỗ chỉ có 343.000 lượt du khách đến thăm năm 1993, năm 2018 đã có gần 3,5 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 2,2 lượt triệu khách quốc tế.
Việc đề xuất chủ trương lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế trong giai đoạn 2020 đến 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là việc làm cần thiết nhằm xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong thời gian tới, phù hợp với chủ trương xây dựng Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc thù, tiếp tục khẳng định vị thế của di sản văn hóa Huế ở tầm quốc gia và quốc tế. Vì vậy, sau khi nghe báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị tư vấn, ý kiến góp ý của các Sở, Ngành liên quan, đồng chí Phan Thanh Hải đã đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng đề cương nhiệm vụ quy hoạch và các nội dung liên quan để sớm báo cáo UBND tỉnh, đồng thời chuẩn bị các bước tiếp theo cho công tác quy hoạch quần thể di tích cố đô Huế, giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2050. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần nghiên cứu để bổ sung vào quy hoạch các di tích mới được phân cấp quản lý hoặc phối hợp quản lý như hệ thống phủ đệ, hệ thống lăng mộ và các di tích thời chúa Nguyễn, Cầu ngói Thanh Toàn, chùa Thánh Duyên, Hải Vân Quan… đồng thời mở rộng khu vực bảo vệ cảnh quan, phong thủy nguyên gốc của các di tích, tạo ra sự kết nối chặt chẽ trong quần thể di tích cố đô, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tái đề cử cho Quần thể di tích cố đô Huế trong tương lai gần. Quy hoạch quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải tuân thủ các quy định của Công ước Di sản thế giới và luật pháp Việt Nam, đặc biệt là Nghị định 109/2017 NĐ-CP ngày 21/9/2017 quy định về bảo vệ và quản lý các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam và Nghị định 166/2018 NĐ-CP ngày 25/12/2018 về thủ tục lập quy hoạch tu bổ di tích lịch sử-văn hóa. Quy hoạch này phải phù hợp với các quy hoạch chung và quy hoạch ngành của Thừa Thiên Huế trong cùng giai đoạn và đặt trong bối cảnh chúng ta đang quyết tâm xây dựng Cố đô Huế trở thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố di sản cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam.