• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất giảm lệ phí tuyển sinh đại học, tăng độ khó của đề thi để phân loại thí sinh

Giáo dục 25/03/2021 16:59

(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 diễn ra sáng nay (25/3), hầu hết các ý kiến đều đồng thuận với những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2021 và cho rằng, các điểm mới này đều tạo thuận lợi cho thí sinh.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho hay, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2021 có những điểm mới như, thí sinh đăng ký nguyện vọng (ĐKNV) xét tuyển sinh ĐH, CĐ GDMN bằng 1 trong 2 hình thức: bằng phiếu hoặc trực tuyến. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (năm 2020 chỉ điều chỉnh nguyện vọng 1 lần). Quy chế mới quy định cụ thể hơn về việc cá địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực. Việc sử dụng Phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học. Và thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình ĐKXT, ĐKNV, xét tuyển/ lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.

Những điểm mới trong dự thảo Quy chế được các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá chung là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm nay. Ngoài những ý kiến đồng thuận với điểm mới trong dự thảo Quy chế, các đại biểu cũng tập trung làm rõ một số điểm.

Đề xuất giảm lệ phí tuyển sinh đại học, tăng độ khó của đề thi để phân loại thí sinh - Ảnh 1.

Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT 3 lần

PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, những điều chỉnh trong dự thảo mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh. Liên quan đến lệ phí tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng, theo cơ chế tự chủ, các trường được quyền thu phí tuyển sinh. 

Đăng ký xét tuyển là công việc phức tạp, chủ yếu thực hiện ở cấp sở và các trường THPT, nếu giao cho các trường thực hiện thu phí và phân bổ phí sẽ rất phức tạp, thậm chí có thể sẽ xuất hiện nhiều mức phí khác nhau ứng với từng nguyện vọng. Từ đó, PGS.TS Nguyễn Phong  Điền đề xuất, có thể xây dựng các nhóm trường để thống nhất mức phí, đồng thời đề xuất giảm lệ phí tuyển sinh xuống còn 25.000 đồng/thí sinh để giảm áp lực cho thí sinh do dịch bệnh Covid-19.

Tham dự Hội nghị, GS.TS Nguyễn Hữu Tú (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong công tác tuyển sinh và cho rằng, kỳ thi vẫn có giá trị trong công tác tuyển sinh của các trường, 50% chỉ tiêu của các trường dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Hữu Tú đề xuất, kỳ thi cần quan tâm tới khâu ra đề thi, khâu coi thi và khâu chấm thi. Do tình hình học tập năm nay của học sinh liên tục hơn nên đề thi cần phân loại tốt hơn, tạo thuận lợi hơn cho các trường trong xét tuyển, GS.TS. Nguyễn Hữu Tú nêu ý kiến.

GS.TS Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, năm nay, việc thí sinh đăng ký trực tuyến là một điểm mới rất căn bản. Riêng về đăng ký nguyện vọng 3 lần thì chỉ nên thực hiện 2 lần để rút ngắn thời gian "chốt" đăng kí. 

Mặc dù ĐHQGHN tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Đình Đức vẫn nhận định, việc các trường sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT như một điểm sàn chung cho các trường đại học xét tuyển, làm điểm đầu vào sẽ đỡ tốn kém, giảm căng thẳng cho nhà trường, cho thí sinh, đồng thời là căn cứ để các trường có thể tiếp nhận thí sinh chuyển đổi giữa các trường.

GS.TS. Nguyễn Đình Đức cũng mong muốn trong tương lai, Việt Nam sẽ phát triển các trung tâm kiểm định độc lập đối với bộ đề (ma trận đề) có độ khó dễ tương đương nhau, dưới sự quản lý của Bộ GDĐT.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh việc giữ ổn định về quy chế, phương thức tổ chức, phối hợp giữa các đơn vị cũng như chủ động ứng phó với những thay đổi; tiếp tục ứng dụng công nghệ trong công tác tuyển sinh; Hợp tác, đồng thuận trong cơ chế phối hợp; Các trường chuẩn bị tốt hơn đề án tuyển sinh, phương án tư vấn cho thí sinh…; Bộ GDĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong khâu xét tuyển, tổ chức thi, kỳ thi riêng, các trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ. 

Thứ trưởng yêu cầu, các sở GDĐT tiếp tục lên kế hoạch, tổ chức giảng dạy, ôn thi, hướng dẫn các trường, các điểm tiếp nhận thí sinh, hỗ trợ thí sinh tốt nhất trong ĐKXT. Các trường ĐH, CĐ đảm bảo công tác xét tuyển công khai, minh bạch. Các trường tổ chức thi riêng, các trường khối văn hóa tổ chức thi năng khiếu cần hợp tác ở các mức độ khác nhau để chia sẻ nguồn lực, tiết kiệm chi phí cho thí sinh, các trường có thể sử dụng kết quả thi này trên tinh thần hợp tác, đồng thuận…

Thứ trưởng khẳng định, với sự cam kết, hợp tác, đồng hành, nỗ lực hết sức của các đơn vị sẽ thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 thành công, đảm bảo lợi ích cho người học và xã hội.

V.Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ