(Tổ Quốc) - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về "phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em".
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, với 166 điều, dự thảo luật điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Bao gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Đề cập đến hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nói: "Đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên, dự thảo luật quy định giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể".
Điều 105 (Tù có thời hạn) của dự thảo luật nêu, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù. Bộ luật Hình sự đang áp dụng là không quá 18 năm tù.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 9 năm tù. Bộ luật Hình sự đang áp dụng là không quá 12 năm tù.
Tuy nhiên, với trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy) thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, dự thảo luật giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Đồng thời "không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên".
Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, dự thảo luật mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền và mức phạt tiền không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Thiết kế các chính sách xử lý theo cách tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, đầy đủ
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành Điều 101 dự thảo luật quy định 4 hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở kế thừa của Bộ luật Hình sự hiện hành (không phát sinh thêm loại hình phạt mới).
Về các hình phạt cụ thể và việc tổng hợp hình phạt, Ủy ban Tư Pháp cơ bản nhất trí với dự thảo luật.
Ngoài ra, theo bà Lê Thị Nga, đối với hình phạt cảnh cáo, có ý kiến đề nghị mở rộng việc áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Đối với hình phạt tiền, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ quy định hiện hành, không áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội do các đối tượng này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
"Một số ý kiến đề nghị quy định người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có các điều kiện như người trưởng thành cũng được áp dụng hình phạt tiền để bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự", Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao những nỗ lực của Tòa án nhân dân tối cao trong nghiên cứu xây dựng dự án luật, đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên và có những chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc đối với trẻ em, người chưa thành niên. Hiện nay, có nhiều văn bản dưới luật về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, tuy nhiên, các quy định hiện hành đang bộc lộ hạn chế, dẫn tới một số trường hợp, việc xử lý vụ án hình sự có liên quan đến người chưa thành niên chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ em. Vì vậy, việc xây dựng dự án luật này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nhấn mạnh nội hàm của dự án luật là về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo sự đồng bộ với Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự. Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống nhất với phạm vi điều chỉnh như Tòa án nhân dân tối cao đã trình, chỉ điều chỉnh lĩnh vực hình sự, không điều chỉnh lĩnh vực dân sự, hành chính.
Theo đó, dự án luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng là người chưa thành niên; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án luật cần điều chỉnh đồng bộ cả các biện pháp xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên, thiết kế các chính sách xử lý theo cách tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, đầy đủ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.