• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất không thành lập HĐND, UBND tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Thời sự 11/09/2017 16:08

(Tổ Quốc) - Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (11/9), người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trình dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Chính phủ.

Theo hồ sơ được Bộ KH&ĐT trình xin ý kiến UBTVQH, Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt sẽ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để áp dụng đối với 3 đơn vị là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị này. 

(Nguồn: quochoi.vn)

Về sự cần thiết phải xây dựng Luật này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngoài thể chế hóa đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp, Việt Nam còn cần chủ động xây dựng một mô hình phát triển mới với những thể chế đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, năng lực cạnh tranh thấp…

Mục tiêu xây dựng Luật nhằm hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài; tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới

Dù vậy, để tạo nên sự thành công của các đặc khu kinh tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có luật điều chỉnh riêng; chế độ ưu đãi thuế, phí; ưu đãi đầu tư riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài vào ngành, nghề ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ... đặc biệt là hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả…

Hiện Việt Nam đang có kinh nghiệm quản lý các đặc khu như: đặc khu Hồng Gai, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, và từ thực tiễn phát triển của các đơn vị này có thể nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả.

Trong tờ trình, Chính phủ cũng đề nghị xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.  

Do vậy, “Chúng tôi đề nghị không tổ chức UBND, HĐND ở đây mà tổ chức một đơn vị như Trưởng đặc khu để tập trung phân cấp, phân quyền, tập trung xử lý công việc hiệu lực hiệu quả tại đây. Còn giám sát theo ngành dọc chúng ta vẫn giữ của bộ, ngành, Chính phủ và UBND tỉnh, huyện”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Điều này cũng được các đại biểu tán thành.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc xây dựng mô hình mới này phải giữ nguyên tắc lấy sự ổn định quốc phòng an ninh, toàn vẹn lãnh thổ là cái cốt. Về kinh tế cần “nổi trội, thông thoáng” để thu hút đầu tư. 

Các đơn vị hành chính-kinh tế này cần phải có chính sách phải phù hợp với thực tế. Bộ máy phải rất gọn nhẹ, quyền hạn cao nhưng kiểm soát phải đặc biệt.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, đây là dự án Luật quan trọng, chủ trương đúng đắn nhưng phải rất cân nhắc, thận trọng, thảo luận thật kỹ./.

Hà Giang 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ