(Tổ Quốc) - Đề xuất được đưa ra tại hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản 2017 tuần qua.
Theo Vietnamnet, tại hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản 2017 tuần qua, ông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, nên tổ chức chính quyền đô thị Phú Quốc một cấp hành chính chỉ có HĐND đặc khu.
Phú Quốc đang dần phát triển thành một trung tâm du lịch – dịch vụ của đất nước, khu vực Đông Nam Á trong các mô hình đặc khu kinh tế (Nguồn: Internet) |
Dưới đó tổ chức các tiểu khu là các ban đại diện hành chính của đặc khu và không tổ chức HĐND ở trị trấn và các xã như hiện nay. Nhiệm vụ của các tiểu khu được quy định rõ do yêu cầu phân cấp, ủy quyền của Chủ tịch UBND đặc khu kinh tế.
Về nhân sự, thực hiện bổ nhiệm đối với trưởng và ủy viên ban đại diện hành chính tiểu khu khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
“Nên nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu, là người đứng đầu đặc khu kinh tế. Chủ tịch UBND đặc khu được bổ nhiệm thông qua giới thiệu của HĐND”, ông Đức đề nghị.
Cũng theo ông Đức, để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, Chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm cấp phó thông qua giới thiệu của HĐND.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát lại nhiệm vụ của UBND huyện đảo và ban quản lý khu kinh tế để nghiên cứu hợp nhất lại.
“Đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ: KH-ĐT, Tư pháp, Tài chính, UBND tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc rà soát và làm rõ hơn các nhóm thẩm quyền: của Chính phủ, của Thủ tướng, của bộ ngành TƯ, của Chủ tịch UBND tỉnh hiện nay được chuyển giao cho UBND đặc khu kinh tế quyết định”, ông Đức nói.
Theo ông, khi đã nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu kinh tế sẽ phải xây dựng đề án cụ thể, sáp nhập một số phòng ban chuyên môn và các ban Đảng về một đầu mối để quản lý điều hành thống nhất. Ví dụ như sáp nhập Ban Tổ chức huyện ủy với Phòng Nội vụ, UB Kiểm tra với Thanh tra…
Đồng thời tăng cường điều động số lượng cán bộ, công chức của huyện xuống cơ sở do sắp xếp sáp nhập các phòng ban chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng quản lý điều hành ở cơ sở.
Nguyên Vụ trưởng cũng đề nghị có cơ chế tiền lương đặc thù với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại đặc khu kinh tế để thu hút nhân lực trình độ cao.
“Chủ tịch UBND đặc khu kinh tế được thuê chuyên gia nước ngoài và ký hợp đồng làm việc với công chức, viên chức (trừ một số vị trí do bầu cử, chỉ định) trên cơ sở thỏa thuận về mức lương và công việc được giao”, ông Đức đề xuất.
Liên quan đến đặc khu kinh tế, sáng 11/9 dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được trình tại phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Mục tiêu xây dựng luật là nhằm hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài; tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó tăng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp ngân sách nhà nước.
Mục tiêu nữa là tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính… tại các đặc khu kinh tế./.
Hà Giang (T/h)