• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất phương án thay đổi giờ làm việc: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Thời sự 08/05/2019 07:57

(Tổ Quốc) - Các quan điểm đều cho rằng, quy định giờ làm việc cần phải căn cứ vào điều kiện khí hậu, thời tiết vùng miền. Cần phải tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe, không gây xáo trộn cuộc sống người lao động, từ đó mới đảm bảo hiệu suất công việc.

Đề xuất phương án thay đổi giờ làm việc: Đại biểu Quốc hội nói gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Vnexpress)

Nhiều bất cập nếu thay đổi giờ làm việc

Chị Phương Anh, hiện đang công tác tại một tờ báo điện tử tại Hà Nội cho biết, chị đã đọc tin các báo đăng về hai phương án giờ làm việc mà Bộ LĐTBXH đề xuất. Theo chị Phương Anh,  mỗi cơ quan, ngành nghề có những đặc thù khác nhau, do đó rất khó để quy định "cứng' về thời gian làm việc cho tất cả các cơ quan hành chính trên cả nước. Thời gian làm việc như hiện nay theo chị là khá thuận tiện và hiệu quả. 

Theo Bộ LĐTBXH, trên cơ sở tham vấn ý kiến, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, với phương án 1, dự thảo bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước".

Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Với phương án 2, dự thảo đề xuất giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

"Nhà tôi cả vợ - chồng đều là cán bộ nhà nước. Sáng nào tôi cũng phải đưa con đi học. Các con vào học lúc 7h30, sau đó tôi đến cơ quan lúc 8h là hợp lý. Nếu quy định giờ làm việc 8h30 thì không biết tôi phải lang thang ở đâu để chờ tới giờ vào làm việc. Chắc chắn sẽ có số đông người phải lang thang một khoảng thời gian vào buổi sáng như tôi. Trong khi buổi chiều thì lại không biết nhờ ai đón con vì các con đều tan lúc 16h - 16h30. Khi đó có ngồi làm việc thì cũng không hiệu quả vì sốt ruột, vì phải gọi điện nhờ vả người này, người kia đón... Đâu phải ai cũng có tiền để thuê giúp việc hoặc thuê người đón?", chị Phương Anh chia sẻ. 

Cùng quan điểm với chị Phương Anh, anh Phạm Tuyên, hiện đang công tác tại một đơn vị hành chính tại phường Lê Đại Hành (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, nếu để đến 8h30 mới làm việc, thì người dân lại phải chờ lâu hơn nếu như có việc cần giải quyết. Nhiều doanh nghiệp tại địa phương bắt đầu làm việc từ 8h sáng trong khi cơ quan hành chính bắt đầu làm việc từ 8h30 thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp. 

Vì thế, theo anh Phạm Tuyên, nên giữ nguyên phương án giờ làm việc như hiện nay. 

Đây cũng là phương án mà bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam thấy hợp lý nhất. Bà Bùi Thị Thanh cho hay "Bản thân tôi thấy nếu 8h30 mình mới có mặt ở cơ quan thì muộn quá. Trong khi buổi trưa thì chỉ nghỉ 60 phút, nhiều người muốn về nhà cơm nước cũng không đủ thời gian. Có vẻ không hợp lý và hiệu quả. Ngoài ra, chọn phương án nào thì cũng phải phụ hợp với điều kiện khí hậu, vùng miền...", bà Bùi Thị Thanh chia sẻ. 

Đại biểu Quốc hội nói gì?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP. HCM) cho rằng, chắc hẳn Bộ LĐTBXH khi đề xuất hai phương án về giờ làm việc đã tham khảo các nước bởi giờ làm việc của nhiều quốc gia được quy định linh hoạt. Chọn phương án nào thì cũng phải phù hợp với điều kiện của cán bộ công chức từng khu vực, vùng miền và đảm bảo hiệu suất công việc.  

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, để chốt phương án cần tính toán kỹ về điều kiện khí hậu các vùng miền, mùa Đông áp dụng giờ nào? mùa Hè áp dụng giờ nào? 

"Mâu thuẫn ở chỗ vừa phải linh hoạt về các mùa trong năm, linh hoạt đối với vùng miền... nhưng cũng phải làm thế nào để không ảnh hưởng tới tính đồng bộ trong hệ thống cơ quan hành chính. Ví như một cơ quan hành chính trong Cà Mau gọi điện ra cơ quan hành chính tại Hà Nội mà phía Hà Nội lại bảo chưa tới giờ làm việc thì cũng khó...", ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói. 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (đoàn ĐBQH Nghệ An) cho biết, mình ủng hộ phương án giữ nguyên giờ làm việc như hiện tại, bởi phương án này phù hợp với điều kiện của cán bộ viên chức, hạ tầng cơ sở và phù hợp với cuộc sống từng địa phương. 

"Tôi cho rằng phương án giữ nguyên giờ làm việc như hiện nay hợp lý hơn. Nếu thống nhất giờ làm việc chung thì rất khó bởi khí hậu từng vùng miền của nước ta khác nhau. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào giờ đón con cái của cán bộ. Nếu theo phương án thay đổi giờ làm việc từ 8h30 - 17h30 (nghỉ 60 phút buổi trưa) thì sẽ gây cản trở cho họ. Với phương án này họ sẽ không biết phải đưa - đón con như thế nào. Chưa kể tại các thành phố lớn thì việc kẹt xe là bình thường, vậy thì về tới nhà sẽ quá muộn để chuẩn bị cơm nước buổi tối...", ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền nêu quan điểm.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa thì 13 cho rằng, việc thay đổi giờ làm sẽ tác động đến toàn xã hội, do đó cần lấy ý kiến rộng rãi và xem xét tác động đa chiều.

Theo bà Bùi Thị An, Việt Nam nên giữ nguyên khung giờ làm việc như cũ. Nếu bắt đầu từ 8h30 là hơi muộn, buổi trưa nghỉ 60 phút cũng quá ngắn, nghỉ trưa 90 phút sẽ hợp lý hơn bởi không phải cơ quan nào cũng có nhà ăn ngay trong cơ quan. Nhiều người phải ra ngoài ăn, nên thời gian này không đảm bảo.

Còn đối với khu vực miền núi, nếu quy định 17h30 tan sở sẽ là quá muộn vì thời tiết khu vực này nhanh tối, giao thông lại không thuận tiện như thành phố...

Bà Bùi Thị An cho rằng, cần tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe, không gây xáo trộn cuộc sống người lao động, từ đó mới đảm bảo hiệu suất công việc. 

Theo Bộ LĐTBXH, trên cơ sở tham vấn ý kiến, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Với phương án 1, dự thảo bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước". Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Với phương án 2, dự thảo đề xuất giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ